Sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần

Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã phát hiện 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới. Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần.

Ngày 27-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Cũng theo kết quả khảo sát, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần, lên khoảng 3,6%.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử; trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin, một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.

Thời gian qua, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, điển hình là nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan… do hút thuốc lá điện tử.

Ngoài bệnh nhân nói trên, tại Trung tâm Chống độc cũng từng điều trị cho nhiều trường hợp khác bị đột quỵ não, tổn thương phổi, mất ngủ, nôn nhiều... do ngộ độc thuốc lá điện tử.

Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, điều trị, đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới.

“Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, đồng thời tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử.

Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử.

Tại hội thảo, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh viện và nhiều bộ, ngành đề nghị, Việt Nam không nên cho phép thí điểm lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, nhằm ngăn chặn sự bắt đầu của những người không hút thuốc, trẻ vị thành niên, đồng thời bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế. Dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Do đó, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

“Việc cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới phù hợp với xu hướng các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của WHO”, bà Trang nhấn mạnh.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1062687/su-dung-thuoc-la-dien-tu-o-gioi-tre-lam-tang-nguy-co-dung-ma-tuy-gap-35-lan