Sự cố tại nhà máy Tả Phời: 'Rất nghiêm trọng và có nhiều vấn đề không hợp lý'
Theo chuyên gia, việc vỡ ống cống thoát nước tại nhà máy Tả Phời là sự cố môi trường rất nghiêm trọng và lộ ra nhiều vấn đề không hợp lý.
Hồ thải quặng của Công ty cổ phần đồng Tả Phời (tỉnh Lào Cai) xảy ra sự cố vỡ ống cống thoát nước xảy ra vào sáng 8/8. Để hiểu rõ hơn mức độ ảnh hưởng phóng viên Báo Điện tử VOV có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam.
Sự cố môi trường tại nhà máy tuyển đồng Tả Phời ở mức độ rất nghiêm trọng
PV: Sau khi hồ thải quặng của Công ty cổ phần đồng Tả Phời (tỉnh Lào Cai) bị vỡ ống cống thoát nước, ông đánh giá như thế nào mức độ ảnh hưởng đến môi trường?
Ông Phạm Văn Sơn: Bùn thải nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời đã chảy ra môi trường là sự cố rất nghiêm trọng. Việc cần làm ngay lúc này là các cơ quan chức năng cần sớm công bố kết quả xét nghiệm bùn thải. Phải căn cứ vào kết quả phân tích từ bùn thải thì mới xác định được mức độ độc hại như thế nào.
Những diện tích hoa màu, ao hồ, sông suối bùn thải đã vùi lấp rất khó để xử lý, khôi phục trở lại như trước. Chất thải đã thoát ra ngoài môi trường, ruộng đồng, sông suối không thể thu gom 100% do phần đã ngấm xuống đất, thẩm thấu tới nước ngầm, thậm chí hòa tan vào sông suối, tiếp tục chảy xuống hạ lưu.
Ảnh hưởng từ bùn thải ở những khu vực nhìn thấy sẽ không là gì so với chất thải đã thoát ra sông suối. Có thể ảnh hưởng đến con người khi sử dụng nước mặt, nhiễm vào thủy sản, vi sinh vật, nước cho nông nghiệp…
Vị trí đặt bể thải Tả Phời có vấn đề
PV: Theo ông, khu vực xảy ra sự cố được thiết kế, xây dựng có hợp lý?
Ông Phạm Văn Sơn: Trong khai thác mỏ, tuyển quặng có dùng một số phụ gia hóa chất, nước thải tuần hoàn trong khi bể chứa nước thải ở Tả Phời không hề có mái che, gần như lưu chứa tự nhiên, gần khe núi và khu dân cư ngay phía dưới, gần sông như vậy là chưa hợp lý.
Ở một vị trí như vậy rất khó có thể phòng ngừa, vì không trước thì sau sẽ phải xảy ra sự cố. Vì hồ chứa không mái che, không chống thấm, vị trí trên cao dốc xuống phía dưới là khu dân cư, sông, suối…
Vị trí bể chứa này được đặt cách sông Hồng cũng không xa, với điều kiện thời tiết mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay nguy cơ bùn thải chảy xuống hạ lưu là rất lớn. Hiện nay các nhà máy xử lý nước mặt dưới hạ lưu sông Hồng rất nhiều. Công nghệ xử lý nước mặt hiện nay phần lớn chủ yếu diệt khuẩn, sử dụng phèn lắng, không thể ngăn được hóa chất hay các độc tố. Bởi vậy cần phải quan trắc nhiều khu vực, thời gian lâu dài để đánh giá mức độ, ảnh hưởng ra sao, chứ không chỉ nơi gần nhà máy tuyển đồng Tả Phời.
Theo tôi tất cả công trình phát sinh ra chất thải nguy hại không nên quy hoạch gần các dòng sông như trên, vì nếu có xảy ra sự cố sẽ rất khôn lường.
Tác động tại khu vực xảy ra sự cố chỉ là một phần như chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy như chất thải bao phủ ở một phạm vi rộng 5ha, có vị trí lớp bùn thải dầy tới 4m…Vấn đề ở đây là nếu có thu gom được tất cả lượng bùn thải trên mặt đất thì cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ mức độ ảnh hưởng. Vì một phần rất lớn chất thải này rất có thể ngấm sâu vào đất, không sớm thì muộn sẽ thẩm thấu vào mạch nước ngầm,…khắc phục nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể hết được mức ảnh hưởng được.
Đáng nguy hại nhất là mưa tiếp tục đưa nguồn thải xuống sông suối, trôi đi về hạ lưu,…rất khó đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng đến bao nhiêu năm mới kết thúc.
PV: Trong thời gian tới cần phải làm gì để khắc phục hiện trạng và tránh những sự việc như trên, thưa ông?
Ông Phạm Văn Sơn: Công việc phòng ngừa là quan trọng nhất, khi sự cố môi trường đã xảy ra rồi thì ứng phó như thế nào là câu chuyện quá muộn. Tất cả những gì chúng ta làm ở đây chẳng qua là đẹp về mặt hình ảnh như đất trong nhà dân, đường sá, đồng lúa… thu dọn sạch về mặt cơ bản. Chứ không thể nào khắc phục được triệt để hết được. Vì nước thải, chất thải đã ngấm sâu vào đất, nước, hòa vào sông suối rồi…
Điều quan trọng nhất hiện nay và tương lai là thực hiện hết sức nghiêm túc kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Từ trước đến nay còn xem nhẹ vấn đề phòng ngừa, hay nói cách khác là đang chỉ tập trung vào vấn đề ứng cứu chứ xem nhẹ ứng phó.
Giải quyết căn cơ của tất cả của mọi vấn đề như bỏ ngay tư duy hy sinh môi trường lấy phát triển kinh tế. Bao nhiêu năm nay chưa xảy ra sự cố thì chất thải này rất có thể đã âm thầm ngấm vào trong đất ở khu vực này.
Chúng ta vẫn chưa để ý đến mức độ ô nhiễm diễn ra hằng ngày mà cứ phải xảy ra sự việc nào rất ghê gớm mới quay lại để ý.
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế thì trong thời gian sắp tới cần phải rà soát lại toàn bộ công trình chứa chất thải để phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.