Sớm đưa Côn Sơn-Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn-Kiếp Bạc thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Toàn cảnh Khu di tích văn hóa-lịch sử Côn Sơn-Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương)
Là địa điểm có nhiều tiềm năng, khu danh thắng di tích này nằm trong danh mục dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển trở thành khu du lịch quốc gia.
Là Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn liền với tên tuổi Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Quần thể này có chùa Côn Sơn, khởi dựng từ thế kỷ 13, một trong những trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm cùng đền Kiếp Bạc là nơi thờ phụng Đức thánh Trần và Đền thờ Nguyễn Trãi. Khu di tích đang được tỉnh Hải Dương triển khai các dự án phát triển thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2025-2030.
Nằm dưới bóng những cây thông cổ thụ xanh mát, bốn bề cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, khoáng đạt và phong cảnh hữu tình, Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc mang các giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa.
Là Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn liền với tên tuổi Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Quần thể này có chùa Côn Sơn, khởi dựng từ thế kỷ 13, một trong những trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm cùng đền Kiếp Bạc là nơi thờ phụng Đức thánh Trần và Đền thờ Nguyễn Trãi.
Nơi đây còn dấu tích các di vật, di chỉ, cổ vật, hiện vật triều đại nhà Trần, nhà Lê; lưu giữ các bảo vật quốc gia như: Bộ tượng Tam Thế Phật thời Lê trung hưng; bia Thanh Hư Động niên đại Long Khánh (1372-1377) thời Trần Duệ Tông; bia Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi niên đại năm 1607 niên hiệu Hoằng Định thứ tám.
Tiềm năng tài nguyên du lịch đặc sắc và giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu, nhưng hiện nay, Khu di tích lịch sử-văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc mới chỉ đang khai thác và thu hút du khách từ hai sản phẩm du lịch chính là di tích và lễ hội.
Hoạt động đón khách mang tính mùa vụ, tập trung vào lễ hội mùa xuân Côn Sơn diễn ra trong tháng Giêng âm lịch và lễ hội mùa thu Kiếp Bạc được tổ chức vào tháng Tám âm lịch hằng năm.
Phó Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết, trong thời điểm tháng tám âm lịch, ngày cao điểm khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đón 50 nghìn lượt người/ngày. Còn mùa thấp điểm, có ngày chỉ đón khoảng 300 khách đến tham quan. Tính mùa vụ đang ảnh hưởng việc thu hút đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, khách sạn, nơi lưu trú.
Để khắc phục tính mùa vụ của du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, theo ông Lê Duy Mạnh, cần cách làm mới cũng như chiến lược đột phá để quảng bá khu di tích bằng cách tạo ra các sản phẩm du lịch tương ứng, đặc thù. Với lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng thiền (dưỡng sinh) tại Côn Sơn, dự án khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, quy mô 1.380 ha, trải rộng trên hai phần ba diện tích thành phố Chí Linh và một phần ba diện tích huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang cần được ưu tiên triển khai đầu tư. Các dự án dự kiến tiến hành trong tám năm với mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Để khai thác thế mạnh của di tích, Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc xác định xây dựng dự án du lịch trên sông Lục Đầu tương tự mô hình du lịch trên sông Hương (thành phố Huế). Theo khảo sát, hai bên bờ sông Lục Đầu có khoảng 60 di tích liên quan các vị tướng Trần triều.
Hiện tại, Ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng đề án Phát triển Khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045, cũng như triển khai các hoạt động liên quan sản phẩm du lịch, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh.
Nguồn lao động ngành du lịch của Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Lê Duy Mạnh chia sẻ, nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch chỉ chiếm một phần ba tổng số nguồn nhân lực, hạn chế về khả năng ngoại ngữ phục vụ du khách nước ngoài. Mỗi năm khu di tích đón hai đến ba nghìn khách quốc tế, tỷ lệ chưa cao, cho nên giải pháp tạm thời đang thực hiện liên kết với các trường đại học trên địa bàn, ký kết hợp đồng ngắn hạn, theo từng đoàn khách.
Các hoạt động phục vụ trải nghiệm theo đội nhóm, tập thể chưa chuyên nghiệp, phải kết hợp các đơn vị tổ chức sự kiện, ảnh hưởng chi phí và hiệu quả quảng bá giá trị di sản.
Cơ chế trả công cho người lao động có chất lượng hiện nay đang là một trong những khó khăn để triển khai các hoạt động của Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Thời gian tới, về nhân lực, Ban quản lý khu di tích sẽ liên kết các trường du lịch, lựa chọn sinh viên xuất sắc, có năng lực để tuyển dụng bổ sung.
10 năm trở lại đây, Côn Sơn-Kiếp Bạc là một trong những khu di tích đứng đầu cả nước về tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi công trình văn hóa trên cơ sở văn bia và khai quật khảo cổ học.
Tại đề án Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc được xác định là khu di tích trọng tâm, nổi bật, ưu tiên đầu tư để trở thành khu du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, Hải Dương cùng Quảng Ninh và Bắc Giang đang tích cực xúc tiến và hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Dự kiến khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu lượt khách/năm.
10 năm trở lại đây, Côn Sơn-Kiếp Bạc là một trong những khu di tích đứng đầu cả nước về tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi công trình văn hóa trên cơ sở văn bia và khai quật khảo cổ học.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Dự án Bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch.