Sôi nổi các hoạt động hướng về 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Nhiều chuyến đi, hoạt động ý nghĩa đã được thực hiện để hướng tới dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức chuyến đi hành hương về nguồn với chủ đề "Qua miền Tây Bắc, về với Điện Biên". Chuyến đi do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Việt Nam dẫn đầu, có sự tham gia của 70 văn nghệ sĩ tiêu biểu qua nhiều thế hệ, mang ý nghĩa đặc biệt, hòa chung vào các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trước khi thực hiện chuyến đi, các nghệ sĩ đã dâng hương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ công ơn vị lãnh tụ dân tộc vĩ đại, sau đó đến dâng hương tại tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Trong cuộc hành trình trải dài 8 ngày, đoàn đã lần lượt qua đi qua nhiều tỉnh thành, ghé thăm các di tích lịch sử như: Tượng đài Bác Hồ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Bảo tàng dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, khu di tích Nhà tù Sơn La, đền thờ các liệt sĩ Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, đồi Him Lam, thăm chỉ huy sở chiến dịch tại Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và hầm De Castri tại tỉnh Điện Biên...Nhiều tác phẩm văn học có giá trị cũng đã được các nghệ sĩ sáng tác ngay trong chuyến đi này như tác giả Trọng Lưu với bài hát "Cảm xúc Điện Biên"; Anh hùng Lao động, Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí với sáng tác âm nhạc mới về Bác Hồ sau khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và nghe câu chuyện do Thiếu tướng, Phó Giáo sư Hồng Sơn kể về Người.

Cũng trong chuyến đi này, các nghệ sĩ phối hợp với lực lượng văn học nghệ thuật địa phương đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên...tái hiện khí thế hào hùng và cảm hứng sục sôi của vùng Tây Bắc và Điện Biên trong những ngày hướng về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều tiết mục gây ấn tượng và xúc động như “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do chính con trai ông - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thể hiện, hay tiết mục “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình” do chính nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thể hiện.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hành trình ý nghĩa này cũng diễn ra cuộc hội thảo khoa học với tên gọi “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Liên hiệp tổ chức, Hội thảo ghi nhận tham luận trình bày của 35 đại biểu, trong đó có: Giáo sư Hà Minh Đức; NSND, họa sĩ Vương Duy Biên; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý; nhà thơ Vũ Quần Phương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; NSND Ứng Duy Thịnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú...Cuộc hội thảo mang ý nghĩa lớn lao về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thúc đẩy mạnh mẽ sự thăng hoa, sức sáng tạo cho các văn nghệ sĩ về đề tài Điện Biên Phủ, để từ đó, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác có giá trị về Điện Biên Phủ trên tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật của nước nhà.

Bảo tàng tỉnh Bắc. Ninh, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam - Tầm vóc thời đại’’. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Chuyên đề trưng bày theo 3 chủ đề. Trong đó chủ đề 1 là giai đoạn thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta và cuộc kháng chiến chống Pháp “toàn dân, toàn diện, trường kỳ”. Chủ đề này giới thiệu bối cảnh lịch sử đất nước sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta và Đảng, Chính Phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phát động cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” để đập tan âm mưu này. Nhiều chiến dịch nổ ra liên tiếp như: chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), chiến dịch Biên giới (năm 1950), chiến dịch Trần Hưng Đạo (năm 1950-1951), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1951), chiến dịch Quang Trung (năm 1951), chiến dịch Hòa Bình (năm 1951-1952), chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), chiến dịch Thượng Lào (1953)…

Tiếp đó, chủ đề 2 của chuyên đề xoay quanh nội dung “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam - Tầm vóc thời đại” giới thiệu kế hoạch của địch và chủ trương của ta khi mở chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến của chiến dịch và ý nghĩa to lớn mang tầm vóc thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cuối cùng, chủ đề 3 với nội dung Bắc Ninh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ giới thiệu những thành tích to lớn trong chiến đấu của quân và dân tỉnh Bắc Ninh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cụ thể, đó là những đóng góp về sức người, sức của của Bắc Ninh góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và những tấm gương tiêu biểu của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo kế hoạch, cuộc trưng bày được tổ chức từ nay đến hết tháng 8-2024 với gần 300 hình ảnh, hiện vật, tài liệu tiêu biểu, mang ý nghĩa và giá trị lịch sử lớn lao. Cũng tại đây, du khách gần xa sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều hiện vật đã được các cán bộ bảo tàng tỉnh Bắc Ninh dày công sưu tầm như: các mảnh dù của các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống tại huyện Lương Tài, huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; Huân chương chiến công hạng Nhất của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hoàng Đăng Vinh - chiến sĩ Điện Biên xuất sắc có công bắt sống tướng De Castrie trong chiến dịch Điện Biên Phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tháng 5-1954...Cũng trong dịp này, Bảo tàng tỉnh còn đón nhận thêm hiện vật cờ Tổ quốc số 1277 được treo tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/soi-noi-cac-hoat-dong-huong-ve-70-nam-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-post575349.antd