Số người tử vong sau khi tiêm vaccine phòng cúm ở Hàn Quốc tăng lên 32
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông tin, kể từ ca tử vong đầu tiên sau khi tiêm vaccine phòng cúm được báo cáo hôm 16/10, tính đến 0h ngày 23/10, con số này đã tăng lên 32.
Vaccine phòng cúm được lưu trữ tại phòng tiêm chủng ở Jangseong, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc hôm 22/10. (Ảnh: Yonhap)
Theo hãng thông tấn Yonhap, chỉ trong vòng 24h qua, tính đến 0h ngày 23/10, đã có thêm 20 trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng cúm ở Hàn Quốc, nâng tổng số ca tử vong theo diện này lên con số 32.
Ngày 23/10, Cơ quan Pháp y Hàn Quốc cho biết không tìm thấy mối liên hệ nào giữa cái chết đầu tiên của thanh niên 17 tuổi và liều tiêm vaccine cúm mà cậu sử dụng.
Bất chấp những lo ngại đang ngày càng gia tăng về các liều vaccine phòng cúm, các cơ quan y tế của Hàn Quốc đã tái khẳng định rằng chương trình tiêm chủng phòng cúm mùa sẽ vẫn tiếp tục vì không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa việc tiêm phòng cúm và các ca tử vong.
Giới chức y tế Hàn Quốc hồi tháng trước công bố kế hoạch mua thêm 30 triệu liều vaccine chuẩn bị cho mùa đông, tăng 20% so với năm ngoái. Theo đó, khoảng 19 triệu người Hàn Quốc sẽ được tiêm phòng miễn phí, chiếm 1/3 dân số cả nước, trong khi năm ngoái chỉ có 13,8 triệu người được hưởng chương trình tương tự.
Bên cạnh đó, giới chức cũng mở rộng phạm vi tiêm phòng cúm mùa cho năm nay, từ trẻ em 6 tháng tuổi đến 18 tuổi, người hơn 61 tuổi và thai phụ. Kế hoạch này nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, vốn đã chịu nhiều áp lực kể từ khi Covid-19 bùng phát.
KDCA cho biết một cuộc điều tra kỹ lưỡng đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến các trường hợp tử vong. Việc khám nghiệm tử thi cũng sẽ được triển khai đối với 9 trường hợp.
Các nhà cung cấp vaccine cúm cho chính phủ Hàn Quốc là GC Pharma, SK Bioscience, Korea Vaccine, Boryung Biopharma và Sanofi.
Các chuyên gia y tế thường khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm trước khi mùa cúm bắt đầu, bởi có thể có nhiều trường hợp tử vong hơn xuất phát từ các biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra, như viêm phổi...
Dịch cúm mùa thường bùng phát tại Hàn Quốc vào cuối tháng 11 đến tháng 12 hàng năm. Mỗi năm có trung bình khoảng 3.000 người thiệt mạng do nhiễm virus cúm mùa.
Nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm vaccine phòng cúm, sau khoảng 2 tuần, cơ thể sẽ phát triển nên kháng thể. Từ đó, các các chuyên gia thường khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm vào giữa tháng 11.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đang phân vân về việc liệu có nên kêu gọi người dân tiêm phòng cúm “ngay lập tức” vào thời điểm này hay không trong bối cảnh nhiều ca tử vong sau tiêm chủng được báo cáo trên toàn Hàn Quốc chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA) đã đề xuất Chính phủ nước này cần xem xét hoãn chương trình tiêm phòng cúm trên toàn quốc trong khoảng một tuần để điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong và kiểm chứng độ an toàn của vaccine.
Min Yang-ki, một quan chức của KMA cho biết: “Chúng tôi đồng ý rằng việc tiêm phòng cúm nên được tiếp tục. Chúng tôi không kêu gọi Chính phủ ngừng hoàn toàn việc tiêm chủng mà chỉ tạm dừng hoạt động trong khoảng một tuần để tìm ra nguyên nhân chính xác”.
Trong bối cảnh tiếp tục có các ca tử vong sau khi tiêm vaccine cúm mùa, KDCA cho biết giới chức Y tế Hàn Quốc sẽ tiến hành họp khẩn trong chiều nay để quyết định có tiếp tục chương trình tiêm chủng miễn phí cúm mùa hay không.
Phương Đặng
(Theo Yonhap)