Sẽ không đánh đổi môi trường khi làm dự án cảng biển Cần Giờ

Việc đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng biển Cần Giờ) chỉ thực hiện khi hài hòa được lợi ích giữa môi trường và kinh tế...

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast.

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 418/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về hồ sơ chủ trương đầu tư dự án bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).

QUÁ TRÌNH LẬP DỰ ÁN PHẢI BẢO ĐẢM TUÂN THỦ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Trong thông báo này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý việc đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ (sau đây gọi là cảng Cần Giờ) chỉ thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu về lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, việc xây dựng cảng cần bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển cảng trung chuyển quốc tế sao cho đủ năng lực cạnh tranh với khu vực và quốc tế, phát triển bền vững.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân TP.HCM và các bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án theo quy định tại Luật Đầu tư và các nghị định hướng dẫn liên quan bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân TP.HCM chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đề xuất dự án nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các bộ, cơ quan để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề xuất theo quy định pháp luật, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư và khai thác cảng, đặc biệt cho giai đoạn đến năm 2030. Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển cảng đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Hợp lưu của sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển cảng phải bảo đảm phân kỳ hợp lý cho từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch cảng biển và nhu cầu theo kết quả dự báo hàng hóa thông qua cảng. Hồ sơ phải thể hiện đầy đủ định hướng các khu chức năng chính của cảng, trường hợp cần thiết có thể mời đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn.

KHÔNG “HY SINH” MÔI TRƯỜNG KHI LÀM CẢNG

Đáng chú ý, Thông báo số 418/TB-VPCP lưu ý rằng việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án kiên quyết không “hy sinh” môi trường, chỉ rõ khu vực, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng ở đâu, tác động thế nào.

“Do dự án liên quan đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với TP.HCM và khu vực, nên phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động, ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Ngoại giao phải nêu ra đầy đủ, cụ thể và có chính kiến rõ ràng liên quan đến tác động của môi trường đến dự án…”, thông báo nêu rõ yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Về công nghệ, phương án công nghệ khai thác cảng, phải được định hướng hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới đồng thời được xác định theo thiết kế tổng thể và cụ thể hóa cho từng giai đoạn bảo đảm nhà đầu tư khai thác hiệu quả tốt nhất.

Đối với báo cáo thẩm định và dự thảo quyết định chủ trương đầu tư, Phó thủ tướng yêu cầu xác định rõ nội dung yêu cầu TP.HCM và nhà đầu tư phải thực hiện đầu tư hạ tầng bảo đảm tiêu chí “Cảng xanh” giai đoạn đến 2030, 2035 và 2050 (kế hoạch, lộ trình cung cấp nhiên liệu thân thiện với môi trường, đầu tư các hạ tầng, yêu cầu của đội cȧng...).

Về quan hệ tương tác giữa các cảng, Thông báo số 418/TB-VPCP yêu cầu phải giải quyết tốt quan hệ giữa Cần Giờ với khu bến Cái Mép của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và ảnh hưởng qua lại giữa các dự án đã đầu tư; cũng như việc sử dụng, khai thác luồng hàng hải và các hạ tầng dùng chung.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, TP.HCM căn cứ theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Thành phố có thể xem xét các nội dung như thu hút được hãng tàu có đội tàu chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới; yêu cầu về quy mô đầu tư, vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 4 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc xây cảng Cần Giờ sẽ tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học...

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc xây cảng Cần Giờ sẽ tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, tính đa dạng sinh học...

Trước đó, tại hai cuộc họp vào tháng 6 và tháng 8/2024 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, tất cả thành viên hội đồng thẩm định đều thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua đề án. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ. Đây là bước quan trọng để cấp thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam tại TP.HCM này.

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m. Công suất tối đa của cảng Cần Giờ là 16,9 triệu TEUs, tổng mức đầu tư dự kiến gần 6 tỷ USD. Toàn dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Liên quan đến vấn đề tác động môi trường của dự án, trước đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có đánh giá sơ bộ và cho biết khu vực đề xuất xây cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã lưu ý và cảnh báo rằng việc đầu tư cảng Cần Giờ dự báo sẽ tác động đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn lợi thủy hải sản,…

Anh Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-khong-danh-doi-moi-truong-khi-lam-du-an-cang-bien-can-gio.htm