Sẽ có nhiều thay đổi trong hoạt động công chứng

Sau gần 9 năm thi hành Luật Công chứng 2014, hoạt động công chứng đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đội ngũ công chứng viên tăng lên, số lệ phí công chứng thu được cao hơn… Việc công chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản, nhà ở, về đất đai và tài sản gắn liền với đất, cùng tài sản quan trọng khác được an toàn về mặt pháp lý, đóng vai trò là 'phương tiện sản xuất cơ bản' trong nền kinh tế đang mở rộng, nhất là đối với tài sản có giá trị lớn.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới. Một trong những nội dung điều chỉnh là cần có biện pháp nâng chất lượng đội ngũ công chứng viên. Nhìn chung, tổng thể công chứng viên còn chưa đồng đều, trong đó, một bộ phận hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cần sửa đổi, bổ sung việc bổ nhiệm công chứng viên, trình tự thủ tục công chứng, địa điểm công chứng và một số quy định có liên quan.

Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định, nguyên tắc việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù, người già yếu, không thể đi lại được, hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Hoạt động tại một văn phòng công chứng

Hoạt động tại một văn phòng công chứng

Tuy nhiên, Điều 44 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định, chỉ được thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc một trong các trường hợp: Khi đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đang thực hiện nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Theo tờ trình của Chính phủ, mục đích của việc sửa đổi quy định trên là để tránh tình trạng lạm dụng quy định về “lý do chính đáng khác”.

Một doanh nghiệp thông tin: “Việc không cho công chứng viên thực hiện công chứng ngoài trụ sở là để ngăn chặn lạm dụng ký tràn lan, nhưng trên thực tế rất cần hoạt động này. Cụ thể, người có yêu cầu công chứng rất bận rộn (như doanh nhân quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh) không thể thu xếp thời gian đến tổ chức hành nghề công chứng ký hồ sơ được. Hoặc như thanh toán qua ngân hàng, khi các bên yêu cầu công chứng viên ký tại trụ sở ngân hàng mới được thực hiện, hay giao dịch giá trị lớn, có nhiều mặt hàng, ở nhiều nơi cần chữ ký của công chứng viên...".

Nếu không cho công chứng ngoài trụ sở đối với các trường hợp trên, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh; các giao dịch rất khó thỏa thuận thành công, người dân không thể thực hiện quyền của mình được. Do đó, đề nghị dự thảo quy định theo hướng bổ sung “lý do chính đáng khác” được công chứng viên xem xét, thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng.

Báo cáo ngày 25/12/2023 của Bộ Tư pháp về rà soát các văn bản liên quan đến dự án Luật Công chứng (sửa đổi) thông tin, dự thảo luật quy định cụ thể trường hợp công chứng ngoài trụ sở, bảo đảm nguyên tắc của công chứng là công chứng trực tiếp tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Trước hết, công chứng viên cần trực tiếp gặp mặt, trao đổi với người yêu cầu công chứng để kiểm tra, đánh giá về năng lực hành vi dân sự, nhân thân, ý chí tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch... của các bên, theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cần trực tiếp hướng dẫn, giải thích cho các bên hiểu rõ, đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch, vấn đề pháp lý có thể phát sinh. Việc ký kết vào hợp đồng, giao dịch phải thực hiện trước mặt công chứng viên để bảo đảm tính xác thực của chữ ký. Một số trường hợp thực sự đặc biệt mà người yêu cầu công chứng không thể đến tổ chức hành nghề, mới được công chứng ngoài trụ sở.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh An Giang Trần Minh Tiên cho biết, thực tế, ngoài các trường hợp quy định trong Điều 44, còn phát sinh nhiều trường hợp pháp luật chưa đề cập đến, chưa được điều chỉnh. Dự thảo luật chỉ “đóng khung” 3 trường hợp, ảnh hưởng đến hoạt động công chứng, giao dịch thường xuyên của người dân, nhất là đối với dịch vụ có tài sản lớn, ở nhiều địa phương. Ông đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cho áp dụng công chứng theo hướng mở rộng hơn, do công chứng viên chịu trách nhiệm. Hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường, nên cần bảo đảm tính nghiêm túc.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/se-co-nhieu-thay-doi-trong-hoat-dong-cong-chung-a395123.html