Sau kim chi, Hàn Quốc và Trung Quốc lại thổi bùng tranh cãi về hanbok

Một bộ trang phục truyền thống tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh (Olympic Bắc Kinh) Trung Quốc hôm 4/2 đã vấp phản ứng mạnh mẽ từ người Hàn Quốc.

Cô gái mặc trang phục giống hanbok gây tranh cãi Hàn Quốc-Trung Quốc tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2 (Ảnh: AP)

Cô gái mặc trang phục giống hanbok gây tranh cãi Hàn Quốc-Trung Quốc tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2 (Ảnh: AP)

Nguồn cơn giận dữ của người Hàn Quốc xuất phát từ lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vừa qua, khi một cô gái mang cờ Trung Quốc và mặc trang phục truyền thống màu hồng trắng, rất giống trang phục truyền thống hanbok của Hàn Quốc. Cô gái này xuất hiện trong nhóm nghệ sĩ biểu diễn đại diện cho các dân tộc ở Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có cộng đồng người Hàn Quốc ở nước ngoài đông nhất thế giới và hai nước cũng có mối liên hệ văn hóa sâu sắc.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hanbok tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh đã khiến nhiều người Hàn Quốc giận dữ. Họ cáo buộc Bắc Kinh "đánh cắp" văn hóa của Hàn Quốc.

Lee Jae-myung, ứng cử viên của đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sắp tới, đã lên án hành vi "chiếm đoạt văn hóa" của Trung Quốc. Văn phòng đối thủ chính của ông, Yoon Suk-yeol, cũng cáo buộc Bắc Kinh "thiếu tôn trọng" trong quyết định trình diễn trang phục và kêu gọi chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc xin lỗi.

Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Hwang Hee, quan chức tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, cho biết Seoul không có kế hoạch khiếu nại chính thức với Bắc Kinh về vấn đề trang phục gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, vấn đề này "có thể gây hiểu lầm" giữa hai nước.

Trong khi đó, Giáo sư Seo Kyoung-duk tại Đại học Phụ nữ Sungshin, đánh giá sự việc này là cơ hội để giới thiệu văn hóa truyền thống của Hàn Quốc với mọi người trên thế giới.

"Lịch sử và văn hóa của chúng ta phải được bảo vệ bởi chính chúng ta", ông Seo Kyoung-duk viết trên Facebook.

Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc và Trung Quốc có tranh cãi liên quan tới di sản văn hóa.

Trước đó, nỗ lực của Trung Quốc trong việc giành chứng nhận quốc tế cho món pao cai - món rau muối của tỉnh Tứ Xuyên - đã khiến dư luận Hàn Quốc và Trung Quốc tranh cãi nảy lửa về nguồn gốc của kim chi - món ăn nổi tiếng của Hàn Quốc được làm từ rau cải thảo.

Trung Quốc đã giành được chứng nhận trên từ tổ chức Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho món pao cai. Báo nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu đã mô tả sự kiện này là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu".

Dư luận Trung Quốc tuyên bố kim chi là món ăn truyền thống của đất nước họ và hầu hết kim chi tiêu thụ ở Hàn Quốc đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc chỉ trích tuyên bố trên và cáo buộc báo Trung Quốc đang "cố tình biến kim chi thành một món thuộc về pao cai của Trung Quốc".

Trên mạng Internet Hàn Quốc, nhiều người tỏ ra tức giận. Một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc thậm chí còn mô tả sự việc này là "nỗ lực thống trị thế giới" của Trung Quốc.

(theo DW/Dân Trí)

Thành Đạt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-kim-chi-han-quoc-va-trung-quoc-lai-thoi-bung-tranh-cai-ve-hanbok-173137.html