Sản xuất nông sản hướng đến xuất khẩu

Là huyện thuần nông, thế nhưng sản xuất nông nghiệp ở Thuận Châu nhiều năm trước do thiếu đồng bộ trong quy hoạch, sản phẩm chủ yếu phục vụ nội tỉnh, nội huyện... nên khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này rất thấp.

Vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH Trà Thu Đan.

Vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH Trà Thu Đan.

Khắc phục điểm yếu đó, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, Thuận Châu tích cực triển khai nhiều chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang cây ăn quả, hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu tại các xã dọc quốc lộ 6 (Phổng Lái, Chiềng Pha, Phổng Lập, Mường É) và các xã dọc sông (Bó Mười, Mường Khiêng, Liệp Tè, Chiềng Ngàm)... đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký hợp đồng với hợp tác xã trồng các loại cây theo địa chỉ tiêu thụ sản phẩm; lựa chọn doanh nghiệp, HTX đủ năng lực làm đầu mối thu gom sản phẩm nông sản... phục vụ xuất khẩu.

Nói đến nông sản của Thuận Châu phải kể đến cây chè. Năm 2019, tổng sản lượng chè xuất khẩu đạt 983 tấn, trị giá 46,9 tỷ đồng. Riêng Công ty TNHH Trà Thu Đan có trên 300 ha, Công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến, sản lượng trung bình 300 tấn chè khô/năm, xuất khẩu sang Đài Loan. Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường, toàn bộ diện tích chè của chúng tôi được chăm sóc, thu hái theo quy trình kỹ thuật đối tác yêu cầu; chè xanh sau thu hái được chuyển ngay về nhà máy, trải qua nhiều công đoạn, cho ra sản phẩm chè khô chất lượng. Qua đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, chúng tôi dự kiến năm 2023 sản lượng chè khô sẽ đạt 600 tấn/năm, chủ yếu là chè hữu cơ an toàn, chất lượng cao.

Thứ đến là cây chanh leo, tuy mới trồng nhưng năm 2019, Thuận Châu đã xuất khẩu 653 tấn, trị giá gần 12 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chanh leo Thuận Châu, cho hay: HTX liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua quả chanh leo cho người dân. Sản phẩm chanh leo của HTX đã được trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, tuần nông sản tại Sơn La, Mộc Châu, Hà Nội; người tiêu dùng đánh giá rất cao chất lượng và mẫu mã. Đây là lý do để chúng tôi mở rộng diện tích, đưa các giống chanh leo chất lượng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, phục vụ xuất khẩu. Vụ chanh leo năm nay, HTX đã chủ động đưa thêm các giống có năng xuất, chất lượng cao vào gieo trồng.

Theo thống kê, tổng giá trị các sản phẩm nông sản của Thuận Châu thông qua xuất khẩu năm 2019 trên 250 tỷ đồng, chủ yếu là chè, chanh leo, xoài, cà phê..., huyện đang tiếp tục xây dựng các mã vùng trồng mới năm 2020; dự kiến cấp 2 mã vùng trồng cho cây nhãn tại các xã Mường Khiêng, Liệp Tè; 2 mã vùng trồng xoài tại Mường Bám; 1 mã vùng trồng thanh long ruột đỏ tại Chiềng Pha; 2 mã vùng trồng đối với cây có múi tại các xã dọc quốc lộ 6. Không chỉ vậy, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, để đề ra các giải pháp phù hợp; đồng thời, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu mới ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, EU, các nước Trung Đông và các nước khu vực ASEAN...

Thông tin về định hướng, kế hoạch đưa nông sản địa phương vươn ra thị trường thế giới, ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nói: Năm 2020, Thuận Châu dự kiến xây dựng 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng; tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu; tập trung phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; duy trì và phát triển 6 chuỗi sản xuất sản phẩm liên kết, gồm: Xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, thanh long ruột đỏ; tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; tạo môi trường thuận lợi, tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện, nhất là các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để xuất khẩu.

Với hướng đi đã xác định, sự năng động trong tìm kiếm thị trường, chắc chắn Thuận Châu sẽ đạt mục tiêu 286,5 tỷ đồng giá trị nông sản xuất khẩu năm 2020.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/san-xuat-nong-san-huong-den-xuat-khau-30018