Sắc ban và ký ức hào hùng

Với đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, hoa ban là biểu tượng cho vẻ đẹp mộc mạc, thủy chung của người con gái Thái. Thế nhưng, với nhiều Chiến sĩ Điện Biên, hoa ban lại là ký ức đẹp và thơ mộng gợi nhớ những ngày tháng oanh liệt, hào hùng 'khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt' để làm nên một chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' của 70 năm trước.

Ký ức hào hùng

Ngay từ những ngày tháng 3, con đường nhỏ dẫn vào di tích Trung tâm đề kháng Him Lam đã phủ trắng hoa ban. Sắc trắng hoa ban như gợi nhớ về những ký ức hào hùng, oanh liệt của 70 năm trước khi bộ đội ta ém quân dưới những cánh rừng, chờ khai hỏa mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam gắn với trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Sải những bước dài trên con đường dẫn lên di tích Trung tâm đề kháng Him Lam năm xưa, ngắm những cánh ban bung nở, rung rinh trong nắng, bao ký ức lại ùa về với chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều. Dừng chân bên ngôi mộ tập thể ngay cổng di tích, ông Điều cẩn trọng thắp nén hương thơm và thì thầm những lời “ôn cố tri tân” cùng đồng đội.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Điều là chiến sĩ liên lạc thuộc Đại đội 405, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (còn gọi là Sư đoàn Chiến Thắng, nay thuộc Quân đoàn 12 Quân đội nhân dân Việt Nam). Mặc dù đã bước sang tuổi 94, nhưng ký ức về chiến trường Điện Biên Phủ vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông Điều. Ông nói: “Đến bây giờ, tôi vẫn có thể hình dung và vẽ lại toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ ngày đó, nó vẫn rõ như lòng bàn tay. Sau khi bộ đội ta chiếm được Trung tâm đề kháng Him Lam, thì lần lượt đồi Độc Lập, A1… bị đánh chiếm và cuối cùng là Hầm Đờ Cát…”. Trong ký ức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, trận chiến mà ông luôn muốn nhắc tới là đánh cứ điểm Him Lam - nơi được quân Pháp coi là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm.

Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều thắp hương tri ân đồng đội tại Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam.

Trong tâm trí của mình khi hình dung về những ngày tháng đầy gian khổ, khốc liệt ấy, hoa ban hiện ra như một phần ký ức đẹp. Câu chuyện của 70 năm trước dần được người lính già, gợi mở: “Tôi còn nhớ thời điểm đó, những bông hoa màu trắng đã phủ khắp nhiều quả đồi trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhớ nhất là lần hành quân ngược lên Điện Biên, khi đến đèo Pha Đin, nhiều cành hoa sà xuống tận mặt. Anh em chiến sĩ còn hái hoa cài lên túi ngực, ba lô, nòng súng rồi trầm trồ về vẻ đẹp của nó... Sau này, khi nghe đồng bào ở đây nói, chúng tôi mới biết đó là hoa ban…”.

Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều với ký ức hào hùng bên những rừng hoa ban khoe sắc.

Cũng như ông Điều, cứ mỗi độ hoa ban nở trắng trên các sườn đồi, thì những ký ức của thời “hoa lửa” lại dội về trong tâm trí chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp. Ngày ấy, ông Chấp là chi ủy viên, Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Ông Chấp kể: Cụm cứ điểm Him Lam được quân Pháp gọi là “cánh cửa thép” bất khả chiến bại với quân số lên tới 750 binh lính. Quá trình chốt giữ cứ điểm này, quân đội Pháp đã xây pháo đài trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng vững chắc, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, cùng hệ thống ụ súng, lô cốt kiên cố. Để thắng được trận này, quân ta đã chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

Hướng ánh mắt về phía hàng cây ban nở trắng sườn đồi, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa quả quyết: “Chúng tôi quyết tâm chiến đấu để bảo vệ vẹn toàn mảnh đất này, bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào và vẻ đẹp trọn vẹn của những cánh rừng hoa ban. Tôi rất phấn khởi khi chứng kiến mỗi mùa ban về, đồng bào lại rộn rã vui với lễ hội truyền thống. Vậy là, những hy sinh, nỗ lực của tôi và đồng đội, đã được đền đáp...”.

Đặc sắc hoa ban

Những ngày gần đây, chính quyền và nhân dân TP Điện Biên Phủ đang tấp nập chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Ban. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên vào trung tuần tháng 3 hàng năm, gắn liền với dấu mốc trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 13-3-1954). Lễ hội Hoa Ban năm 2024 hứa hẹn sẽ có những điểm nhấn đặc sắc, nét mới lạ, thu hút, mời gọi du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên để khám phá, trải nghiệm. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, hoa ban sẽ góp phần trở thành biểu tượng để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

Hoa ban khoe sắc trên khắp các cánh rừng ở Điện Biên.

Đây là thời điểm hoa ban đang nở rộ, du khách đến Điện Biên không chỉ thăm lại chiến trường xưa mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp ngây ngất của loài hoa tinh khôi giữa núi rừng Tây Bắc.

Chiến trường năm xưa đã đổi thay song dư âm của chiến thắng 70 năm trước dường như chưa bao giờ thôi vang vọng, nhất là khi những cánh hoa ban trắng sáng sườn núi, thung sâu. Đó cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu.

Rừng Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, giữa những cây Chò chỉ, cây Dẻ cao vút tầm mắt là hoa ban vươn mình bung sắc.

Đến nay, hoa ban đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng ở Điện Biên, loài hoa này lại đẹp theo một cách riêng. Năm nay thời tiết nắng ấm nên hoa ban nở sớm hơn như tô thắm thêm cho những chứng tích lịch sử hào hùng. Đến Điện Biên, du khách mãn nhãn với những hàng hoa ban bung nở trên những chiến hào, công sự, dây thép gai, hố bộc phá, xe tăng…

Người Điện Biên tự hào về hoa ban cũng như cái cách họ tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy mà, loài hoa này đã trở thành biểu tượng cho Lễ hội Hoa Ban thay lời mời gọi du khách ngược ngàn lên với Điện Biên mỗi dịp tháng 3 về.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LINH – BIÊN TÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/sac-ban-va-ky-uc-hao-hung-768450