Tàu 67 ở Khánh Hòa: Phát sinh hơn 100 tỷ đồng nợ xấu

Cho các chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 vay với số tiền 288,3 tỷ đồng, nhưng đến nay các ngân hàng thương mại ở Khánh Hòa chỉ mới thu được nợ gốc 24,13 tỷ đồng, dư nợ 264,12 tỷ đồng, nợ xấu 103,16 tỷ đồng.

Cho các chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 vay với số tiền 288,3 tỷ đồng, nhưng đến nay các ngân hàng thương mại ở Khánh Hòa chỉ mới thu được nợ gốc 24,13 tỷ đồng, dư nợ 264,12 tỷ đồng, nợ xấu 103,16 tỷ đồng.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương từ ngư trường Hoàng Sa trở về cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: PV

Nhiều ngư dân bị khởi kiện

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng cho vay đối với 31 tàu cá, trong đó 28 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp (2 tàu dịch vụ và 29 tàu khai thác). Số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 292,56 tỷ đồng, đã giải ngân 288,3 tỷ đồng (đạt 98,53%). Thế nhưng tính đến gần cuối tháng 9-2019, các ngân hàng chỉ mới thu được nợ gốc 24,13 tỷ đồng, dư nợ 264,12 tỷ đồng, nợ xấu 103,16 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, cho rằng món nợ vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 của 3 ngư dân Trần Ngọc Đông, Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan (cùng trú TP Nha Trang) phát sinh nợ xấu (trên 30,9 tỷ đồng), Agribank Khánh Hòa đã khởi kiện 3 ngư dân này đòi nợ. Tuy vậy, trước mắt, tòa đề nghị các bên ngồi lại hòa giải, trước khi vào phiên xử.

Không chỉ Agribank Khánh Hòa mà BIDV Khánh Hòa cũng có báo cáo cho biết, đối với một số trường hợp các ngư dân không có thiện chí trả nợ, chi nhánh ngân hàng này sẽ thực hiện các biện pháp xử lý nợ như thu giữ tàu, khởi kiện, phát mãi tài sản... Theo một lãnh đạo Agribank chi nhánh Khánh Hòa, thời kỳ đầu, các chủ tàu hoạt động có hiệu quả, trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn. Nhưng đến các kỳ sau, các hộ này không trả nợ mặc dù có nguồn thu từ hoạt động khai thác đánh bắt, làm phát sinh nợ xấu. "Ngân hàng đã nhiều lần mời làm việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng các chủ tàu này cố tình chây ì, không ký biên bản làm việc, để nợ quá hạn kéo dài", vị này cho hay.

Kiện không phải là giải pháp hay?

Cho rằng việc ngân hàng kiện đòi nợ đang tạo áp lực rất lớn đối với ngư dân, ông Mai Thành Phúc- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (TP Nha Trang) trăn trở, hầu hết các ngư dân đều quyết lòng làm để trả nợ, nhưng biển "giả", từ khai thác không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. "Ngư dân không trả nợ đúng kỳ hạn là họ sai. Nhưng có những tàu làm ăn có thì họ trả, không có thì lấy đâu trả, trong khi nhà cửa cũng đã thế chấp hết rồi. Họ chỉ sống nhờ con tàu đó thôi. Bây giờ ngân hàng khởi kiện, hăm he thu giữ tàu làm nhiều ngư dân hết sức lo lắng, không còn tư tưởng làm ăn, đi biển nữa", ông Phúc thở dài.

Ông Võ Thiên Lăng- Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa cho rằng Ban chỉ đạo NĐ 67 cần ngồi lại, sau đó tiến hành đánh giá, phân loại các trường hợp đang nợ vốn vay ngân hàng. Cuộc họp này nhất thiết phải có mặt của nghiệp đoàn nghề cá ở địa phương và chính quyền sở tại vì chính những những cơ quan này hiểu ngư dân nhất. Mỗi trường hợp nợ đưa ra cách ứng xử khác nhau và thận trọng. "Ví dụ như ngư dân đi biển có lãi, mà không trả nợ thì ngân hàng cứ việc kiện thẳng, còn thực tế đúng là ngư dân đánh bắt không hiệu quả thì phải xem xét xử lý một cách hợp tình hợp lý, tránh cứng nhắc. Còn hiện tại nếu các ngân hàng cứ kiện ngư dân ra tòa thì cũng không giải quyết được gì. Vì các ngân hàng cũng cần biết rằng việc thanh thải con tàu thu giữ của ngư dân là điều không dễ. Đừng nói đến đấu giá, chỉ bán không thôi cũng đã lỗ rồi, vì ngư dân khác rất ngại mua lại tàu đã qua sử dụng", ông Lăng nêu quan điểm.

Mộc Ca

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_215372_tau-67-o-khanh-hoa-phat-sinh-hon-100-ty-dong-no-xau.aspx