Rút BHXH một lần: Lợi trước mắt, thiệt tương lai - Bài cuối: Cần sớm thay đổi chính sách
Người lao động rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng đang tạo sức ép lớn lên việc duy trì hệ thống an sinh xã hội bền vững và ngân sách chi trợ cấp cho người cao tuổi. Do đó, để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh này, đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh luật và các quy định liên quan, trong đó có việc giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Niềm vui khi nhận lương hưu
Bên cạnh những người rút BHXH một lần, còn rất nhiều người dân vẫn tham gia BHXH để khi về già được chi trả lương hưu. Đơn cử như bà Lê Thị Thanh Hương (61 tuổi), cựu nhân viên bưu điện, ngụ tại quận Bình Thạnh.
Bà cho biết, hàng thán, bà lại đến lĩnh lương hưu. “Mỗi tháng lương hưu của tôi khoảng 5 triệu đồng. Với số tiền này, tôi có thể thoải mái chi tiêu riêng cho bản thân mình, không phải xin con cái. Hiện nay, nhân viên BHXH cũng tư vấn cho tôi có thể nhận tiền lương qua thẻ ATM, nhưng tôi thích tự mình đến lấy lương vì đó là niềm vui của tôi”, bà Lê Thị Thanh Hương nói.
Cũng có cùng sở thích nhận lương hưu trực tiếp, bà Nguyễn Thị Liên Hoa (63 tuổi, ngụ thành Phố Thủ Đức) phấn khởi cho biết: “Mỗi tháng tôi lĩnh được 4 triệu đồng, còn chồng tôi được 6 triệu đồng. Như vậy hàng tháng, hai vợ chồng cũng được 10 triệu đồng, đủ để trang trải cho cuộc sống, không cần con cái trợ cấp. Mình già mà tự lo được cho bản thân thì đã giảm bớt gánh nặng cho các con rất nhiều".
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, trước kia bà ở Hà Nội, hàng tháng bà thường đến BHXH quận Hà Đông để lĩnh lương hưu, nhưng từ khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, bà đã chuyển sang nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng cá nhân. “Vào ngày đầu tháng là BHXH lại chuyển đúng số lương tôi được lĩnh. Lâu lâu có đợt Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng thì những người già như tôi cũng được hưởng quyền lợi này và được tăng thêm chút trợ cấp. Đối với người già như tôi tăng thêm chút nào mừng chừng đó", bà Liên Hoa nói.
Trước đó, không chỉ duy trì việc đóng BHXH hàng tháng, bà Nguyễn Thị Liên Hoa còn vận động người thân tham gia BHXH để về già có lương hưu ổn định. "Lúc trước, khi con rể tôi nghỉ việc, chuyển công tác cũng có ý định rút BHXH một lần để đầu tư kinh doanh. Mức lương của con tôi rất cao vì vậy nếu rút một lần thì sẽ được khá nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi đã khuyên không nên rút, mà tiếp tục đóng BHXH để khi về già thì có khoản tiền lương hưu. Khi đó, con cái dù có khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn có tiền chi tiêu", bà Liên Hoa nói.
"Số tiền hơn 200 triệu đồng khi rút BHXH một lần với tôi khá lớn, nhưng sau khi được nghe phân tích về những lợi ích khi đóng BHXH, tôi đã quyết định không rút BHXH một lần. Tôi thấy trước mắt khi mình bị thất nghiệp, ốm đau bệnh tật đã có ngành BHXH hỗ trợ, còn khi về già chúng tôi được hỗ trợ BHYT miễn phí với mức khám chữa bệnh được hưởng 95% mà không cần phải bỏ thêm chi phí nhiều. Trong khi đó, người già thì rất hay bệnh tật nên hay đi khám thường xuyên", anh Nguyễn Tùng An, con rể của bà Nguyễn Thị Liên Hoa cho biết.
Cần sớm thay đổi chính sách
Chia sẻ về nguyên nhân người dân rút BHXH một lần tại TP Hồ Chí Minh khá đông, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, việc rút BHXH một lần chủ yếu ở nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc, hoặc đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế thì sẽ nghĩ tới giải pháp này.
Tỷ lệ hưởng BHXH một lần cũng rơi nhiều vào số lao động nữ, do sức ép về nuôi con, chăm lo gia đình, việc làm biến động nhiều hơn nam giới. Khi đứng trước lựa chọn phải đi vay để lo cuộc sống và nhận BHXH một lần, người lao động thường chọn phương án rút BHXH một lần hơn.
Để giảm tỷ lệ người rút BHXH một lần, mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm; bổ sung chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ; thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm với người lao động trung tuổi. Đặc biệt, Bộ còn đề xuất sửa quy định về hưởng BHXH một lần theo hướng chỉ cho phép rút phần người lao động đóng góp; bổ sung quy định người lao động có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn với mức trợ cấp hàng tháng cao hơn so với những người khác.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Lý do rút BHXH một lần có rất nhiều, nên cần điều chỉnh nhanh các chính sách liên quan, đặc biệt là sửa Luật BHXH, trong đó có giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu. Những người đã đóng BHXH hơn 10 năm thường đã trung tuổi, họ dễ mất việc nhưng rất khó xin việc mới để đóng tiếp, nên muốn giữ chân họ ở lại hệ thống cần điều kiện hưởng lương hưu dễ hơn và các chính sách hỗ trợ khác đi kèm. Ngoài ra, các đơn vị, sở ngành cũng cần tăng việc tuyên truyền chính sách với người lao động, tránh tình trạng bị phản ứng ngược như khi “siết" lại việc rút BHXH một lần hồi năm 2014".
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH là trên 16,4 triệu người, đạt 32% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có trên 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt tăng 1,7% và 16% so với cùng kỳ năm 2021); BHTN trên 13 triệu người, đạt 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2% so với cùng kỳ 2021.
"Để giữ chân người lao động, các nhân viên BHXH đã được quán triệt khi tiếp nhận hồ sơ cần giải thích, thuyết phục người lao động bảo lưu để tiếp tục tham gia nhằm có lương hưu sau này. Vì vậy, sắp tới, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ", ông Đào Việt Ánh cho biết thêm.