Mỹ và Ukraine giương đông kích tây đánh lừa Nga trong vụ tên lửa đạn đạo?
Giới chuyên gia nhận định, việc tình báo Mỹ tung tin nói rằng Tổng thống Biden chỉ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh vào tỉnh Kursk của Nga là đòn nghi binh của Washington và Kiev nhằm đánh lạc hướng Moscow, gây bất ngờ cho Nga trong việc ứng phó đòn tập kích của đối phương.
Hôm 19/11/2024, Ukraine phóng 6 quả tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh Bryansk của Nga (chứ không phải tỉnh Kursk như tuyên truyền rầm rộ từ phía Mỹ). Đây là vụ tập kích đầu tiên của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí hạng nặng chính xác của Mỹ vào đúng thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào ngày thứ 1.000.
Tên lửa ATACMS do Ukraine phóng đã đánh trúng một kho đạn dược ở Karachev đúng một ngày sau khi ồ ạt xuất hiện các thông tin trích dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Biden chỉ đồng ý cho phép Ukraine sử dụng ATACMS để tấn công mục tiêu bên trong tỉnh Kursk của Nga, nơi phương Tây cáo buộc Nga và Triều Tiên triển khai 50.000 quân.
Có nhiều giả thuyết xoay quanh vụ việc này, như phía truyền thông bị nhầm lẫn về thông tin hoặc Tổng thống Biden thay đổi quyết định vào phút chót. Nhưng một số chuyên gia khác tin rằng đó là kết quả của sự chủ động thực thi “mập mờ chiến lược” để gây bất ngờ cho Nga, từ đó khiến Nga lúng túng đối phó và chịu thiệt hại lớn.
Cụ thể, giới chuyên gia cho rằng Ukraine tấn công vào nơi mà Nga ít ngờ tới, và do vậy Nga có thể không kịp điều những thiết bị đánh chặn cần thiết để ứng phó với tên lửa đạn đạo Ukraine đánh theo hướng đó.
Vẫn còn nhiều điều bí ẩn vì tính đến ngày 19/11 vừa qua, cả Mỹ và Ukraine đều chưa công khai thừa nhận có sự thay đổi chính sách liên quan đến ATACMS.
Chuyên gia George Barros của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington) nói với tờ New York Post mới đây: Có khả năng báo cáo về gỡ rào tấn công chỉ giới hạn vào Kursk là một sự chủ ý đánh lạc hướng dư luận.