Quyết tâm hơn nữa để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao
Chiều 17/10, Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng năm 2022; đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh.
Với việc thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc các cấp và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, Nghị quyết 10 đã bước đầu đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi tư duy nhận thức cho Nhân dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Từ đầu năm đến nay, các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham gia các chương trình phát động phong trào trồng cây (chè, quế, dược liệu…) tại một số địa phương. Các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều phần việc, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 10 và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy báo cáo công tác sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 3.247 ha đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực chủ yếu tiềm năng. Qua đó đảm bảo việc mở rộng các cây trồng chủ lực theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra trong năm. Hiện, toàn tỉnh có trên 6.800 ha chè (4.867,6 ha chè kinh doanh; tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 36.082 tấn); trên 3.000 ha chuối, 2.000 ha dứa; trên 50.000 ha quế (thu hoạch được 54.582 tấn cành lá quế khô, 5.734 tấn vỏ quế khô, chiết xuất được 354 tấn tinh dầu...).
Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến lâm sản đạt gần 85.000 ha. Các ngành hàng tiềm năng như: Cây ăn quả ôn đới, cây rau, cây hoa,… cũng được các địa phương quan tâm phát triển. Toàn tỉnh hiện có 9 dự án đang nghiên cứu, xin chủ trương lập dự án đầu tư.
Tại hội nghị, cùng với chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết; trong đó tập trung vào cơ chế chính sách thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mục tiêu chính của Nghị quyết 10 là gia tăng về diện tích, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm chủ lực. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần kiên định với các cây trồng, vật nuôi chủ lực được tỉnh xác định; quyết liệt hơn nữa, đảm bảo việc mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng vùng trồng, quan tâm giải quyết tốt hơn nữa vấn đề đầu ra cho sản phẩm, thu hút doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ban chỉ đạo các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo bước đột phá trong phát triển vật nuôi chủ lực, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp…