'Quyết đấu' thuyền đua trên sông Kiến Giang

Tôi nhảy theo thuyền máy của xã Hiền Ninh để chứng kiến cuộc đua mang tính quyết định giữa các thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong khuôn khổ Giải đua thuyền cấp huyện Quảng Ninh năm 2022 chào mừng 77 năm ngày Quốc khánh 2/9.

Các thuyền đua tranh tài trên sông Kiến Giang trong Giải đua thuyền huyện Quảng Ninh năm 2022. Ảnh: Hải Luận

Thuyền đua xã Hiền Ninh từ hạ lưu sông Đại Giang ôm cua qua sông Kiến Giang, đã thấy một chiếc thuyền đua xã khác đang đợi. “Thuyền đua của xã biển Hải Ninh hôm qua “bạng” (đấu) thua xã Hiền Ninh rồi. Ngày hôm nay, họ chờ “bạng” tiếp đó. Xã Hải Ninh chỉ thích “bạng” với Hiền Ninh để nâng cao tay chèo, lần đua nào xã Hiền Ninh cũng đoạt giải cao. Năm nay đang ứng cử viên nhất bảng” - một cán bộ xã nói to át tiếng máy nổ.

“Các thuyền đua của huyện Lệ Thủy chỉ “hơn thua” với nhau trên thị trấn Kiến Giang, sông nhỏ, êm sóng, dòng chảy ít. Thuyền đua của huyện Lệ Thủy về sông nước mặn Nhật Lệ đua cấp tỉnh chưa bao giờ ăn được giải lớn. Mấy eng (anh) thấy nước chảy mạnh, sóng lớn... đã sợ rồi. Thuyền đua của xã Hiền Ninh đã đoạt giải cấp tỉnh, tham gia đua cấp quốc gia nên thị trường chuyển nhượng các tay đua của xã Hiện Ninh cũng có giá” - tay thuyền Trương Văn Hùng, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chứng tỏ mình là cao thủ.

Tiếng mõ, “linh hồn” của thuyền đua

Thuyền đua xã Hiền Ninh vừa mới đến song song với thuyền đua xã Hải Ninh, người gõ mõ nghe cốc, cốc và cất lên tiếng: “Khoan hô khoan, hộ khoan...”. Các tay đua trên hai chiếc thuyền đưa tay tóng mạnh những mái chầm, mái chèo, thuyền lao vun vút về phía trước. Chạy được một đoạn, có thuyền thị trấn Quán Hàu chờ nhập vào đua thử. Hai bên tiếng máy nổ của thuyền cô le, tiếng trống đánh cổ vũ, người phất cờ, tạo nên không khí náo nhiệt trên dòng sông Kiến Giang.

100% các tay đua thuyền ở huyện Quảng Ninh là những nông dân và ngư dân, họ đã chịu đựng sức lao động nặng nhọc hằng tháng, xuống thuyền cầm chèo, cầm chầm đua thuyền chịu được sức bền lâu. “Trận bóng đá 90 phút, 45 phút đã nghỉ giải lao, trong quá trình đá, họ không phải chạy hết sức lực 100%. Đua thuyền kéo dài hơn 120 phút, phải chèo hết sức lực, không bao giờ nghỉ tay. Tiếng mõ gõ, tiếng la hét liên tục, tạo cho con người ta lâm vào cuộc bứt phá ghê gớm, nói như dân tui là “đứt ruột” “bể hơi tai”. Muốn ăn giải, phải có sức mạnh, đoàn kết, chiến thuật tốt” - tay đua Hùng giải thích.

Phải chọn tay đua ngồi đầu mũi thuyền có sức khỏe tốt nhất, nhanh nhạy, sức bền cao. Vì trong thuyền đua có gần 30 người, tất cả đều hướng về mũi thuyền, người cầm chầm ở mũi lúc nào cũng hoạt động với cường độ cao, để truyền cảm hứng cho toàn thuyền.

“Người gõ mõ giống như “linh hồn” của thuyền đua, tiếng mõ thúc giục mọi người trên thuyền cùng hành động nhịp nhàng. Người gõ mõ hơi chậm và hô: “Khoan hô khoan, hộ khoan” là đưa mái chầm ra dài hơn, nhịp độ chậm để đi đường trường. Người gõ mõ nhanh và hô lớn: “Lên hô lên, hộ lên”, mọi người tăng tốc hết cỡ để vượt qua thuyền đối phương hoặc về đích. Suốt cả quá trình đua, tâm trạng người gõ mõ phải “rực lửa” để đốt “cháy” toàn thuyền, có như vậy mới mong ăn giải cuộc thi” - ông Trần Văn Quang (65 tuổi), gõ mõ ở thuyền đua xã Tân Ninh nói về kinh nghiệm.

Người gõ mõ giữ vai trò “linh hồn” của thuyền đua. Ảnh: Hải Luận

Ông Quang lúc trai trẻ đã cầm chầm đua mũi và đứng chèo tống ở lái, nay tuổi đã cao vẫn còn rực lửa ở vị trí gõ mõ. Gặp những thuyền đua có kinh nghiệm, chỉ cần nghe tiếng mõ gõ từ xa của đối phương, họ sẽ phán đoán tốc độ của thuyền đua và có thể tăng tốc vượt lên. Đôi khi còn phải đánh lạc hướng kiểu gõ mõ để “lừa” đối phương.

Tuyển “ngoại binh” đua thuyền

Những năm gần đây, phong trào đua thuyền ở các xã thuộc huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy... đạt đỉnh cao. Xã biển Hải Ninh ở xa nơi luyện tập và thi đấu, lãnh đạo xã quyết định thuê nguyên nhà bạt để làm “sở chỉ huy tiền phương” sát bờ sông Kiến Giang tại xã Duy Ninh. Công tác chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 được triển khai rất sớm. Xã nào cũng huy động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân cho đua thuyền, hộ ít góp 80.000 đồng, hộ khá đóng 300.000 đồng, nhiều “đại gia” ủng hộ 5-30 triệu đồng.

Thời điểm các thuyền đua của các xã tập trung về hạ lưu sông Kiến Giang luyện tập cho quen địa hình thi đấu vòng bảng cấp huyện, lúc này “trinh sát” của các xã bắt đầu để mắt “ngắm nghía” các tay đua có thứ hạng, tốc độ thuyền đua, kỹ chiến thuật đua... “Khi luyện tập sẽ có 2-4 chiếc thuyền đua thường xuyên “bạng” nhau, đội mạnh hay chủ động để thua cuộc, làm cho đối phương khó đoán sức lực của họ, cả người và thuyền. Xã Duy Ninh có doanh nghiệp lớn đứng đằng sau, luôn có 4-6 thuyền dự bị, ngày hôm qua họ “bạng” thua thuyền xã khác, tối nay họ gọi thợ đóng thuyền đến rã ra toàn bộ và đóng lại, cân chỉnh mạn thuyền thật chuẩn” - tay đua Lê Tùng, xã Duy Ninh nói lên bí mật.

Lễ hội đua thuyền cấp huyện được các xã chăm chút từng li từng tí: Kẻ vẽ đầu rồng, sơn màu, quét dầu bóng lên thuyền. Thuyền đua luôn để trên bờ ở vị trí trang trọng, làm lễ hạ thuyền, lễ xuất quân thi đấu, do lãnh đạo UBND xã trực tiếp tổ chức thực hiện.

Theo điều lệ Giải đua thuyền cấp huyện Quảng Ninh năm 2022, mỗi thuyền đua được phép mua 3 “ngoại binh” là các tay đua có hộ khẩu ở ngoài xã. “Mấy năm trước, có một phường ở thành phố Đồng Hới lên thuê cả đội đua thuyền của xã Hiền Ninh về thi đấu trên sông Nhật Lệ cấp thành phố. Những vị trí cầm chầm ở mũi, cầm lái được ưu tiên mua nhiều nhất” - tay đua Hùng nói. Thông thường, các “ngoại binh” được trả công theo ngày, hạng thấp chỉ 600.000 đồng/ngày, trung bình 1 triệu đồng/ngày, xuất sắc cũng chỉ 1,5 triệu đồng/ngày.

Ông Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết:“ Đây là lễ hội đua thuyền sôi động nhất trong năm chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Ngày 30/8 thi đấu vòng bảng với 12 thuyền nam, đại diện cho 12 xã, thị trấn trong huyện Quảng Ninh, chọn ra 6 thuyền tốp đầu thi đấu bảng A, 6 đội thua thi đấu bảng B vào ngày 1/9 trên sông Nhật Lệ. Nội dung đua thuyền chèo nữ có 10 xã, thị trấn, trong đó có xã biên giới Trường Sơn thuộc diện ở xa, khó khăn vẫn tham gia thi cấp huyện vào ngày 1/9”.

Ngày 29/8, UBND huyện Quảng Ninh đã tổ chức lễ đón chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-dau-thuyen-dua-tren-song-kien-giang-post454068.html