Quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam mới ở mức 2%

Quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam mới ở mức 2%, điều đó có nghĩa nền kinh tế nâu vẫn chiếm tới 98%

Thông tin được PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu với chủ đề trọng tâm "Xúc tiến xuất khẩu xanh" do Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức tại Hà Nội, ngày 4-12.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đây là một trong những hoạt động chiến lược, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

GS Thọ dẫn báo cáo Xếp hạng, đánh giá kinh tế xanh của 160 quốc gia trên thế giới dựa trên theo dõi, đánh giá dữ liệu 18 chỉ số: Môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và đầu tư xanh đáp ứng yêu cầu ESG từ 2005 đến 2020 cho thấy Việt Nam xếp hạng 79/160 toàn cầu, đứng thứ 3 ở Asean năm 2022; Việt Nam xếp hạng 29/160 về mức độ cải thiện các chỉ số; Việt Nam xếp hạng thứ 94/160 về khoảng cách tới mục tiêu toàn cầu.

Đáng chú ý, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ đánh giá quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam ở mức 2%, có nghĩa nền kinh tế nâu Việt Nam vẫn chiếm 98%.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt được 12-13%, nhưng mức độ cải thiện vị thế, cơ sở hạ tầng xanh của Việt Nam thấp so với thế giới. Đây là thách thức lớn trong việc duy trì thương mại, đầu tư trong thời gian tới.

Việt Nam đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số 1.000 tỉ USD vào 2025.

Theo GS Thọ, Việt Nam nằm trong tốp 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trong tốp 20 nước phát thải lớn nhất thế giới.

Điều này dẫn tới nguy cơ các nước phát triển hay đối tác thương mại sẵn sàng hy sinh thị trường Việt Nam để lựa chọn quốc gia khác nhằm duy trì vị thế bền vững và báo cáo phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt sẽ đánh mất thị trường nếu không thực hiện tuân thủ về phát triển bền vững.

"Trước đây, các quy định về phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU) là tự nguyện, nay đã trở thành yêu cầu tuân thủ và bắt buộc" - ông Thọ chia sẻ.

Ông dẫn chứng câu chuyện của ngành dệt may Việt Nam từng gặp phải đó là cuối năm 2022, đầu năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua thời kỳ khó khăn khi bị mất đơn hàng do đối tác lựa chọn các doanh nghiệp ở thị trường Bangladesh có chuỗi nhà máy xanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

"Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan" - Thứ trưởng Tân đánh giá.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quy-mo-nen-kinh-te-xanh-cua-viet-nam-moi-o-muc-2-196241204124714048.htm