Quảng Ninh sẽ triển khai thử nghiệm vaccine dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 7/2024
Bệnh tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Quảng Ninh với 6/13 huyện, thị xã, thành phố có dịch. Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Quảng Ninh dự kiến thử nghiệm vaccine Dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 7/2024.
Theo PV Vũ Miền/VOV-Đông Bắc, giữa tháng 5/2024, tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ổ dịch tả châu Phi đầu tiên tại thành phố Móng Cái. Đến nay, các ổ dịch đã xuất hiện ở 5 địa phương nữa gồm Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí với hơn 1.700 cá thể lợn bị tiêu hủy. Đáng chú ý, dịch đang tập trung nhiều ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và khó kiểm soát. Hiện công tác khoanh vùng, dập dịch và duy trì các chốt chặn luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Văn Bốn, Công an xã Quảng Minh và ông Phạm Quốc Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hà cho biết: "Chốt có 3 lực lượng là công an, quân sự và đoàn thanh niên. Chúng tôi thay phiên nhau trực 24/24 để đảm bảo việc không mang lợn dịch ra địa phương khác. Huyện Hải Hà đã chỉ đạo các phòng ban và địa phương khoanh vùng các khu vực có dịch để tránh lây lan, đảm bảo an toàn sản xuất và công tác phòng chống dịch".
Qua kết quả giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ lưu hành virus dịch tả lợn Châu Phi trong môi trường chiếm khoảng 3% và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn. Đặc biệt, sản xuất và chăn nuôi tại Quảng Ninh mới đáp ứng được 40% tiêu thụ nội tỉnh, phần lớn là nhập từ các địa phương lân cận, vì vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn ở mức cao.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa sử dụng vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Năm 2023, thực hiện chỉ đạo Bộ Nông nghiệp, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi xuống để các địa phương triển khai đăng ký tiêm phòng vaccine nhưng cũng không có cơ sở nào đăng ký. Năm 2024, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cùng với đơn vị sản xuất đánh giá thử nghiệm vaccine này tại 1-2 xã trên địa bàn tỉnh để xem mức độ bảo hộ và sự an toàn sau đó mới tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai tiêm phòng trên diện rộng".
Tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi
Theo PV Minh Long/VOV1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh gồm: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương chấn chỉnh, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo quy định.
Các địa phương tập trung nguồn lực, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch do bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm việc giết mổ, kiểm dịch vận chuyển lợn trong vùng dịch theo đúng quy định.
Cơ quan chức năng hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.
Nội dung Công văn cũng đề nghị các địa phương rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh; có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh không làm phát sinh ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, bố trí kinh phí để tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các tỉnh thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh trên Hệ thống Quản lý thông tin dịch bệnh động vật; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các tỉnh khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.