Quảng Ngãi: Nhà máy rác bị dân bao vây, tỉnh ngó lơ nên chủ đầu tư kêu cứu
Nhà máy xử lý rác thải ở huyện Đức Phổ từ khi bị người dân bao vây phản đối đến nay đã 12 tháng nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa trả lời cho doanh nghiệp là làm tiếp hay di dời. Bị tỉnh im lặng quá lâu trong khi nhà máy vẫn bị cô lập, doanh nghiệp phải đi kêu cứu khắp nơi.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ do Công ty TNHH Thương mại và công nghệ môi trường MD làm chủ đầu tư được tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa.Dự án xây dựng trên bãi rác cũ của huyện Đức Phổ nhằm xử lý ô nhiễm tồn đọng ở vùng Sa Huỳnh từ lâu.
Tháng 1.2018, dự án được khởi công với sự hoan nghênh của quan chức tỉnh Quảng Ngãi.
Cuối tháng 7.2018, người dân quanh vùng dự án (đóng tại xã Phổ Thạnh) đã bao vây nhà máy và yêu cầu đóng cửa, đánh dấu cuộc khủng hoảng về rác ở tỉnh Quảng Ngãi kéo dài cho đến nay.
Lý do người dân phản ứng được nêu rất rõ trong các cuộc đối thoại của giới chức. Cụ thể, trước khi khủng hoảng ở Đức Phổ nổ ra, rác thải tràn ngập ở thành phố Quảng Ngãi. Để chuyển rác đi, Chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký công văn yêu cầu thực hiện việc chia rác về hai nhà máy ở Bình Sơn và Đức Phổ. Lo ngại nhà máy xử lý rác ở vùng mình sẽ là nơi xử lý rác của thành phố và các vùng lân cận, người dân Đức Phổ đã liên tục bao vây nhà máy và yêu sách chỉ cho hoạt động nếu nhà máy chỉ xử lý rác ở vùng mình như kế hoạch trước đây được duyệt.
Liên tục trong quá trình người dân phản đối, chính quyền Quảng Ngãi đinh ninh cho rằng người dân thái quá và quy hoạch của dự án là không sai. Tuy nhiên, kết luận thanh tra về dự án này được công bố vào tháng 1.2019 thì thấy các cấp ngành của tỉnh này đã sai phạm rất nhiều.
Theo đó, chủ đầu tư dự án dù biết vị trí làm nhà máy vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường nhưng vẫn làm thủ tục xin đầu tư. Tuy nhiên, cả một hệ thống sở ngành làm ngơ với việc này để sai phạm nối dài sai phạm. Theo đó, chính quyền huyện Đức Phổ, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT đã bỏ lơ nhiều quy trình để cho nhà máy này hoàn thành thủ tục đầu tư; sau khi bị người dân phản đối thì các sở ngành không đi khảo sát mà đinh ninh là nhà máy không vi phạm quy hoạch, không vi phạm quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Đến nay, việc xử lý các sai phạm tại kết luận thanh tra vẫn chưa hoàn tất. Theo đó, ngoài việc đề nghị xử lý sai phạm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại huyện Đức Phổ theo hình thức kêu gọi xã hội hóa. Trong khi chờ có nguồn lực đầu tư khu liên hợp, tỉnh đề nghị người dân đồng lòng cho nhà máy xử lý rác thải rắn huyện Đức Phổ được hoạt động nhằm xử lý dứt điểm 22.500m3 rác tồn đọng đang gây ô nhiễm và lượng rác phát sinh hàng ngày của 3 xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ Châu.
Tuy nhiên, đến nay việc xử lý những sai phạm về môi trường đều không thực hiện được vì người dân vẫn bao vây nhà máy và chính quyền không có động thái quyết liệt. Trước tình hình trên, chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải đã có nhiều kiến nghị lên tỉnh và kêu cứu báo chí. Bà Lê Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và công nghệ môi trường MD cho biết dự án có tổng mức 52 tỉ đồng.
“Kể từ khi người dân bao vây, nhà máy dừng hoạt động đến nay đã 12 tháng gây nhiều thiệt hại cho công ty chúng tôi. Tình hình công ty trong thời gian qua thực sự khó khan, điêu đứng, mất hết nhân viên, tiền bạc, thời gian… Công ty đã thật sự ngoài sức chịu đựng nên mới nói lên tâm tư để mong các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe”, bà Diệp thông tin và cho biết đã gửi nhiều đơn kiến nghị lên các cấp của tỉnh xin hướng xử lý nhưng chưa nhận được văn bản nào từ các cơ quan trên.
Theo đó, bà Diệp cầu cứu đề nghị tỉnh Quảng Ngãi có câu trả lời nhà máy có được tiếp tục hoạt động hay không và nếu còn thì thời gian hoạt động bao lâu. Trong trường hợp dự án không được tiếp tục hoạt động thì đề nghị tỉnh này phải xem xét hỗ trợ, bồi thường cho doanh nghiệp khi phải di dời dự án.
"Trong thời gian qua, công ty đã đưa ra các kiến nghị nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn của công ty tại các văn bản gửi đến các cơ quan chức năng và đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ngành liên quan xử lý nhưng hiện nay công ty chưa nhận được văn bản hướng dẫn, trả lời cụ thể từ các cơ quan liên quan", đơn kêu cứu bà Diệp gửi đến Một Thế Giới cho hay.
Bà Diệp cũng thông tin rằng dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và nhận được ưu đãi tiền thuê đất nhưng sau khi dự án chỉ mới chạy và bị dừng đến nay thì mới đây Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi đã ra công văn yêu cầu nộp thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp là hết sức vô lý.
Chủ đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Công an tỉnh yêu cầu người dân thu dọn vật cản trên đường vào nhà máy để tạo điều kiện ra vào dự án và bảo vệ tài sản đã đầu tư.