Quảng Bình-Hào khí 420 năm (1604-2024)

(Tiếp theo và hết)

Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, nâng cao khả năng tham gia điều tiết, cân đối cung cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, cung cấp đầy đủ các loại vật tư, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 13,5-14% (trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,4%/năm); của kim ngạch xuất khẩu là 9,6%; của kim ngạch nhập khẩu là 6,6-7,1%/năm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu mới của khoa học và công nghệ (KH-CN) để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thế mạnh chủ lực của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý KH-CN. Nâng cao tiềm lực và trình độ KH-CN trong toàn tỉnh; phát triển mạnh thị trường KH-CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH-CN. Phấn đấu đến năm 2030, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp từ 35% vào tăng trưởng kinh tế (KT).

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, công nghệ thông tin, tăng tỷ trọng KT số trong từng ngành, lĩnh vực. Các công nghệ hiện đại, như: Điện toán đám mây Cloud Computing, kết nối vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn BigData, chuỗi khối Blockchain... được ứng dụng sâu rộng. Các dịch vụ đô thị thông minh được xây dựng, cung cấp đầy đủ trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng ngành báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Đến năm 2030, duy trì và từng bước nâng thứ hạng của Quảng Bình trên Bảng xếp hạng chỉ số Chính quyền số của tỉnh, thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; xây dựng, phát triển mạng di động 5G, 6G đến 100% khu vực đô thị, khu vực trung tâm các xã, phường, thị trấn.

Thực hiện ngầm hóa 30-35% hạ tầng mạng cấp ngoại vi trên địa bàn tỉnh; ngầm hóa mạng cấp ngoại vi khu vực đô thị đạt 45-55%. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt trên 70%.

Doanh nghiệp Quảng Bình huy động nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Hải

Doanh nghiệp Quảng Bình huy động nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Hải

Tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mạng lưới hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở.

Đến năm 2030, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải ở các cơ sở khám, chữa bệnh; số giường bệnh/10.000 dân đạt 50 giường trở lên, số bác sĩ/10.000 dân đạt trên 14 bác sĩ, số lượng dược sĩ/10.000 dân đạt trên 3 dược sĩ, tỷ suất trẻ em tử vong dưới 5 tuổi dưới 12‰, dưới 1 tuổi dưới 10‰, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trên 90%.

Phát triển hợp lý và vững chắc quy mô giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đi đôi với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình GD-ĐT nhằm tăng nguồn lực, mở rộng quy mô và tăng cơ hội giáo dục cho mọi người; quan tâm giáo dục khuyết tật; chú trọng giáo dục khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT, coi trọng 3 mục tiêu: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đến năm 2030, 100% trường tiểu học, trên 85% trường mầm non, 95% trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 2,5%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt 100%.

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp (GDNN); phát triển hệ thống các cơ sở GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Mỗi năm cần cung cấp cho thị trường lao động 20.000 lao động có tay nghề. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh bảo đảm quy mô đào tạo 25.000 người/năm, mỗi năm tuyển sinh mới 17.000 người.

Thúc đẩy mở rộng, nâng cao năng lực đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phát triển doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu về giải quyết việc làm ngoài nước trên địa bàn. Tỷ lệ thất nghiệp chung giảm còn 2,3% trong giai đoạn 2021-2025, duy trì dưới mức 2,1% trong giai đoạn 2025-2030.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với mục tiêu phát triển KT-XH, ưu tiên hỗ trợ sinh kế cho người dân để tạo thu nhập ổn định nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đến năm 2030, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát triển văn hóa và thể thao (VH-TT), đồng thời, bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả và đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ VH và rèn luyện sức khỏe của nhân dân; bảo tồn và phát huy các di sản VH vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển du lịch bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% gia đình; 95% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu VH; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn VH; số người tập luyện thể dục TT thường xuyên đạt trên 42%; số gia đình TT đạt trên 33%.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để huy động vốn đầu tư từ các thành phần KT. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Các giải pháp cần ưu tiên thực thi để phát triển nguồn nhân lực bao gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với sự phát triển bền vững. Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nhân lực. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của XH.

Tăng cường và nâng cao thế lực cho nguồn nhân lực. Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực. Hoàn thiện công tác tuyển dụng, nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát huy nguồn lực, bảo đảm vốn cho phát triển nhân lực.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường biển và ven biển, chống thoái hóa đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo vệ diện tích rừng; có cơ chế quản lý hiệu quả các loại chất thải, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải. Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan vào bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh.

Tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thông tin liên lạc và chuyển đổi số, du lịch, y tế, môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi nền KT dựa trên công nghệ số và nền tảng số, về KT số ICT, KT số internet và KT số ngành; tăng cường mở rộng hợp tác KH với các tổ chức KH-CN ở Trung ương và tổ chức quốc tế để tranh thủ chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ KH mới.

Đối với hợp tác trong nước, cần chú trọng xây dựng quan hệ với các đối tác trong nước nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng. Liên kết các lĩnh vực KT của tỉnh với các lĩnh vực bổ sung hoặc bổ trợ ở các tỉnh, thành khác nhằm tạo mối hiệp lực và đem lại lợi ích KT-XH lớn hơn cho tỉnh. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các lĩnh vực XH-VH trong tỉnh.

Đối với hợp tác quốc tế, cần chú trọng các giải pháp: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, lấy hội nhập KT là trọng tâm. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương và các đối tác nước ngoài đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đặc biệt với các địa phương, đối tác đã xác lập quan hệ. Phối hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Xác định phát triển đô thị và nông thôn là công tác trọng tâm để phát triển Quảng Bình lâu dài và bền vững. Tỉnh sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng KT đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến XH và môi trường.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CN thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, khắc phục triệt để sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách chế độ công vụ, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trải qua 420 năm xây dựng và phát triển, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, có những thử thách hết sức nghiệt ngã của tự nhiên và xã hội nhưng ở thời kỳ nào, vùng đất và con người Quảng Bình luôn tỏ rõ hào khí kiên cường và sức vươn lên mạnh mẽ.

Những thành tựu mà Quảng Bình đạt được trong chiều dài lịch sử, nhất là từ khi có Đảng đến nay là hết sức to lớn, đó là sự kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và năng động, sáng tạo trong hòa bình, được hun đúc từ trong những tháng năm máu lửa của chiến tranh, là hành trang lớn để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà thực hiện khát vọng vươn lên, vì một Quảng Bình giàu mạnh.

Trong những năm tới, phát huy những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển KT-XH; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền KT; coi trọng phát triển VH-XH, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền; giữ vững ổn định chính trị, XH; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc; chủ động hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ.

Mục tiêu trên đã thể hiện ý chí, quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự đoàn kết, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, tin tưởng rằng, quê hương “Hai giỏi” anh hùng sẽ biến những thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung và đến năm 2050, Quảng Bình trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

(Theo)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202405/quang-binh-hao-khi-420-nam-1604-2024-2218272/