Quan tâm xử lý vướng mắc để thúc đẩy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được ngành Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ sau dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, tại các địa phương còn nhiều hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ đối với đất ở khiến người dân bức xúc. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được ngành Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ sau dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, tại các địa phương còn nhiều hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ đối với đất ở khiến người dân bức xúc.
Tại thành phố Nam Định, các trường hợp vướng mắc đề xuất hỗ trợ trong cấp GCNQSDĐ là các hộ dân ở xã Nam Vân, phường Cửa Nam được giao đất, cấp đất trái thẩm quyền từ năm 2003 trở về trước; các hộ dân đã sống ổn định lâu dài thuộc tổ 38 khu Đồng Trầm, phường Lộc Vượng; một số hộ thuộc khu Sau La phường Cửa Bắc; các hộ dân khu tập thể Sở Thủy lợi (nay thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và khu tập thể Nhà máy nước phường Vỵ Xuyên; 70 hộ dân đang sinh sống và sử dụng đất khu vực ngoài đê tiếp giáp với nhà máy đóng tàu Nam Hà, phường Trần Quang Khải có nguồn gốc sử dụng đất do Công ty Vật liệu chất đốt (cũ) cấp trái thẩm quyền; 634 hộ phường Văn Miếu ở nhà thuộc sở hữu Nhà nước đã được cấp GCNQSDĐ nhưng chưa được thanh lý phần đất đã bỏ quy hoạch theo Quyết định 1108/QĐ-UBND ngày 11-7-2013 của UBND tỉnh. Ngoài ra người dân phường Hạ Long đề nghị cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân khu tập thể Ngoại thương, tập thể Bột dinh dưỡng; người dân phường Lộc Hòa đề nghị cấp GCNQSDĐ cho 8 hộ dân ngõ 418, tổ dân phố số 1 Tân An đã ở đây từ những năm 1987, 1990... Tại huyện Trực Ninh, người dân xã Trực Tuấn đề nghị UBND huyện xem xét cấp GCNQSDĐ cho một số hộ dân đội 15 vì đã di dân nội bộ, sinh sống từ những năm 1980 đến nay nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ; đề nghị cấp GCNQSDĐ cho diện tích đất các hộ dân ven trục đường Nam Ninh Hải, xã Trực Đạo đã sử dụng từ năm 1990… Tại huyện Nam Trực, người dân xã Nam Thanh đề nghị sớm hoàn tất chỉnh lý biến động, cấp giấy GCNQSDĐ cho 48 hộ dân sau khi đã hiến đất theo phong trào xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án mở rộng tỉnh lộ 487...
Ngoài những trường hợp kể trên, ở hầu hết các huyện, thành phố đều có các trường hợp vướng mắc, chưa được cấp GCNQSDĐ. Theo Sở TN và MT, nguyên nhân là do công tác đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ chưa gắn với công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai nên hồ sơ đăng ký cấp không thống nhất, khó thực hiện. Trong khi nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính làm cơ sở cấp GCNQSDĐ rất phức tạp, chủ yếu là hộ sử dụng đất không hợp pháp, có tranh chấp hoặc không phù hợp với quy hoạch (diện tích đất vi phạm thuộc hành lang bảo vệ an toàn các công trình đường, đê...) do đó cần thời gian hoàn tất các khâu xử lý vi phạm. Tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, không sử dụng đất, chuyển nhượng đất mà không làm thủ tục theo quy định đã tồn tại ở nhiều địa phương từ nhiều giai đoạn trước; người sử dụng đất không chứng minh được việc nộp tiền để được sử dụng đất (không lưu giữ được giấy tờ giao, cấp đất, chứng từ tài chính hoặc giấy tờ ghi nhận việc đóng góp, ủng hộ vào mục đích khác) nên việc lập phương án xử lý vi phạm đối với các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do cấp huyện chưa chỉ đạo quyết liệt, cấp xã còn có tư tưởng né tránh, chậm triển khai; một số hộ dân chưa phối hợp kịp thời với chính quyền trong giải quyết vướng mắc về cấp GCNQSDĐ.
Từ thực trạng trên, Sở TN và MT, các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ người dân rà soát hiện trạng sử dụng đất, hướng dẫn các trường hợp đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đề xuất cấp gấy chứng nhận theo quy định. Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận phải quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giải quyết cụ thể theo từng trường hợp. Các địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ trên tinh thần ưu tiên thực hiện cấp GCNQSDĐ cho những trường hợp thuận lợi trước. Tại thành phố Nam Định, trường hợp 634 hộ phường Văn Miếu đã được hướng dẫn gửi hồ sơ đến Công ty CP Công trình đô thị để được giải quyết theo văn bản hướng dẫn số 552/SXD-QLN ngày 5-5-2021 của Sở Xây dựng. Những trường hợp còn tồn đọng nhiều vướng mắc, UBND thành phố đã giao các phòng chức năng, các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp nghiên cứu các quy định của pháp luật để tham mưu, thống nhất phương án về trình tự, thủ tục giải quyết và đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân xử lý dứt điểm theo quy định... Trong 9 tháng đầu năm 2021, thành phố đã cấp GCNQSDĐ cho: 153 trường hợp thuộc diện cấp lần đầu, 93 trường hợp thuộc diện thắng đấu giá quyền sử dụng đất, 63 trường hợp thuộc diện sở hữu Nhà nước, 1 trường hợp thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án Văn hóa Trần, 15 trường hợp thuộc diện di chuyển giải phóng mặt bằng; công nhận bổ sung diện tích tăng thêm cho 41 trường hợp; phê duyệt phương án xử lý đối với các hộ sử dụng đất không hợp pháp và thu nghĩa vụ tài chính khi được công nhận QSDĐ cho 4 trường hợp; phê duyệt phương án điều chỉnh nghĩa vụ tài chính cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 11 trường hợp; hủy kết quả phê duyệt phương án nghĩa vụ tài chính khi cấp GCNQSDĐ đối với 7 hộ tại xã Nam Vân; 41 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 10.515,4m2; hủy quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 2 trường hợp. Tại huyện Nam Trực, UBND xã Nam Thanh cùng với Phòng TN và MT, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã rà soát lập danh sách 43 hộ hiến đất cần chỉnh lý biến động; đo đạc, lập hồ sơ cho 43/43 hộ và tập trung hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo giải quyết dứt điểm cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân hiến đất mở rộng tỉnh lộ 487, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
Thời gian tới, ngành TN và MT, các huyện, thành phố tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp GCNQSDĐ. Tập trung cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đất đai để xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong các khâu quản lý, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cấp GCNQSDĐ. Yêu cầu cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không gây phiền hà, sách nhiễu khi lập hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDĐ; kiên quyết xử lý đối với trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, chậm giải quyết, chậm trả kết quả thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; công khai trình tự, thủ tục và các loại phí, lệ phí tại nơi tiếp nhận hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan xuất phát từ trách nhiệm của người dân, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, cũng như trách nhiệm trong công tác đăng ký kê khai, cấp GCNQSDĐ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy