Quan tâm bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử tại huyện Hà Trung
Với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh dày đặc, huyện Hà Trung đã luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu kiểm kê di sản, trên địa bàn huyện có 72 di tích đã được xếp hạng các cấp. Trong đó, 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 63 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đến nay, huyện Hà Trung có 72/72 di tích được quy hoạch sử dụng đến năm 2030; có 54 di tích được khoanh vùng bảo vệ. Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, có 9 di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, chủ yếu là đình làng cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Điển hình như Di tích đình Đô Mỹ, xã Hà Tân mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Đình được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX, thờ Thành hoàng Thái úy Tô Hiến Thành, phối thờ hai vị Vũ Đô Bá và Nguyễn Văn Xuân. Đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Trải qua gần 200 năm tồn tại, với bao biến động của thời gian đến nay công trình gỗ bề thế này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập.
Ông Nguyễn Văn Hài, Bí thư thôn Đô Mỹ cho biết: “Đình đã xuống cấp hơn chục năm trước. Bằng mắt thường có thể thấy đình đã bị nghiêng, xô lệch, mái đình mục rơi, cột đình mục rỗng, cong vênh không có sức chịu lực, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Để bảo vệ ngôi đình, người dân và chính quyền địa phương dùng các cột sắt, cột tre, gia cố tạm thời. 4 năm nay, chính quyền địa phương đã treo biển cảnh báo không cho người dân vào trong di tích, các hoạt động của thôn, làng, lễ hội làng gắn với đình không được tổ chức nhiều năm nay”.
Chủ tịch UBND xã Hà Tân Đoàn Thị Hương chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền đã ra thông báo dừng các buổi sinh hoạt, vui chơi tại đình Đô Mỹ. Đồng thời, sử dụng nguồn kinh phí hạn hẹp của địa phương để chống tạm thời cho đình. Địa phương và người dân đã nhiều lần đề nghị với các cấp quan tâm tu bổ đình Đô Mỹ. Song, đến nay các bước thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi đình Đô Mỹ vẫn đang trong quá trình triển khai”.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung Phan Thị Lan cho biết: “Đình Đô Mỹ xã Hà Tân đã được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và phương án tu bổ, tôn tạo; UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn triển khai các bước thủ tục. Hiện tại, huyện đang triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo quy định”.
Không chỉ riêng đình Đô Mỹ chậm triển khai trong các bước thực hiện mà nhiều di tích trên địa bàn huyện cũng rơi vào tình trạng trên. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích, huyện Hà Trung còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: do hệ thống di tích trên địa bàn huyện tương đối nhiều, chủ yếu kết cấu bằng gỗ cần nhiều kinh phí để tu bổ, tôn tạo và phục hồi. Song, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn thiếu, chưa đồng bộ. Năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, nên quá trình tu bổ còn để sai sót, tiến độ thi công chậm. Công tác trông coi, quản lý di tích chưa có tính chuyên nghiệp, do người trông coi chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác quảng bá, giới thiệu giá trị di tích nhằm thu hút du khách đến với di tích chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xã hội hóa ở một số địa phương hiệu quả chưa cao...
Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, huyện Hà Trung đã cụ thể hóa bằng các văn bản như: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21/12/2016 về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. UBND huyện đã ban hành Công văn số 1211/UBND-VHTT về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và hoạt động bảo quản tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn huyện Hà Trung.
Đồng thời, huyện đã chỉ đạo thành lập các ban quản lý di tích; xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức văn hóa, thủ từ và các sư trụ trì; xây dựng quy chế sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế hoạt động và tổ chức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phù hợp với truyền thống.
Các di tích xuống cấp theo thời gian là điều không thể tránh khỏi, do đó huyện Hà Trung cần nỗ lực khắc phục những khó khăn, bất cập để đảm bảo tiến độ các dự án tu bổ, chống xuống cấp các di tích, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người dân.