Quân sự thế giới hôm nay (27-6): Nga triển khai pháo tự hành 2S43 Malva thế hệ mới tới Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (27-6-2024) có những nội dung sau: Nga triển khai pháo tự hành 2S43 Malva thế hệ mới tới Ukraine, Ấn Độ trang bị thêm tàu ngầm Kalvari, Mỹ điều máy bay ném bom B-2 tới Thái Bình Dương.

* Nga triển khai pháo tự hành 2S43 Malva thế hệ mới tới Ukraine

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga vừa thông báo lô pháo tự hành bánh lốp 2S43 Malva 152mm thế hệ mới nhất đã được chuyển giao cho lực lượng quân đội Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

 2S43 Malva là thế hệ pháo tự hành bánh lốp cấu hình 8x8 mới nhất của Nga. Ảnh: Rostec

2S43 Malva là thế hệ pháo tự hành bánh lốp cấu hình 8x8 mới nhất của Nga. Ảnh: Rostec

Trước đó, vào đầu tháng 6, Quân đội Nga thông báo sẽ triển khai pháo tự hành 2S43 Malva trong các hoạt động tác chiến ở Ukraine.

2S43 Malva là pháo tự hành bánh lốp hiện đại, được thiết kế để mang lại khả năng cơ động, hỏa lực và tính linh hoạt khi vận hành vượt trội. Malva được trang bị pháo cỡ nòng 152mm có khả năng thực hiện các đòn tấn công mạnh mẽ với độ chính xác cao.

Pháo tự hành 2S43 Malva nặng 32 tấn, trang bị động cơ diesel YaMZ-8424.10 mạnh mẽ cung cấp công suất 470 mã lực, cho phép pháo đạt tốc độ tối đa 80km/giờ trên địa hình bằng phẳng. Rostec cho biết, Malva có thể mang theo 30 quả đạn, tầm hoạt động đạt 1.000km và có thể được vận chuyển bằng máy bay Il-76.

Malva được đặt trên khung gầm bánh lốp 8x8, giúp tăng cường khả năng di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau, cho phép triển khai và tái định vị nhanh chóng trên chiến trường. Ngoài ra, Malva còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực và nhắm mục tiêu tiên tiến, nâng cao độ chính xác và hiệu quả chiến đấu tổng thể.

2S42 Malva được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu - từ nhân lực và thiết bị bộ binh của đối phương ở tiền tuyến đến hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật ở phía sau, ở khoảng cách lên đến 24km.

Việc triển khai 2S43 Malva gần đây ở Ukraine thể hiện nỗ lực hiện đại hóa không ngừng của Nga trong chiến lược duy trì ưu thế công nghệ và thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng của chiến tranh hiện đại.

* Ấn Độ trang bị thêm tàu ngầm Kalvari

Trang Economic Times đưa tin, xưởng đóng tàu Ấn Độ Mazagon Dock Shipbuilders Limited (MDL) hiện đang trong quá trình thảo luận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ về thỏa thuận đóng thêm 3 tàu ngầm lớp Kalvari được trang bị công nghệ tiên tiến hơn so với các tàu tiền nhiệm.

Ấn Độ thỏa thuận mua thêm 3 tàu ngầm lớp Kalvari của MDL. Ảnh: Indian MoD

Ấn Độ thỏa thuận mua thêm 3 tàu ngầm lớp Kalvari của MDL. Ảnh: Indian MoD

MDL đã cam kết việc chế tạo tàu sẽ có sự tham gia của các nhà cung cấp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Động thái này dự kiến sẽ dẫn đến việc chuyển giao công nghệ và mở đường cho sự phát triển của tàu ngầm nội địa trong tương lai.

Thỏa thuận này là một phần của Dự án 75 (Project 75) – một sáng kiến quan trọng của Hải quân Ấn Độ nhằm hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm thông qua việc đóng 6 tàu ngầm lớp Kalvari trong nước. Những tàu ngầm này đang được đóng tại xưởng MDL ở Mumbai, với sự hợp tác của tập đoàn Pháp Naval Group.

Các tàu ngầm trong Dự án 75 là tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-diesel, được chế tạo để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống tàu nổi, tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo, rải thủy lôi và giám sát khu vực. Dựa trên thiết kế của tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm lớp Kalvari cũng có các thông số kỹ thuật tương đồng. Tàu có chiều dài 67,56m, rộng 10m và có lượng giãn nước khi nổi và khi lặn lần lượt là 1.615 tấn và 1.775 tấn. Tàu ngầm lớp Kalvari có thể hoạt động liên tục trong 52 ngày ở mọi vùng nước khác nhau.

Theo nhà sản xuất, công nghệ hiện đại sử dụng trong tàu ngầm này đảm bảo tính năng tàng hình cao như khả năng hấp thụ âm thanh, ít ồn, hình dáng thủy động học và khả năng tấn công đối phương với các vũ khí dẫn đường chính xác. Tàu có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa chống hạm khi đang ở trên mặt nước hay dưới nước, có thể vận hành ở mọi vùng nước khác nhau.

* Mỹ điều máy bay ném bom B-2 tới Thái Bình Dương

Không quân Mỹ vừa triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đến đảo Guam để tham gia cuộc tập trận Valiant Shield 24 cùng với máy bay F-35B của Thủy quân Lục chiến.

 B-2 Spirit là máy bay ném bom tàng hình hiện đại của Không quân Mỹ. Ảnh: Britannica

B-2 Spirit là máy bay ném bom tàng hình hiện đại của Không quân Mỹ. Ảnh: Britannica

Những máy bay này, có khả năng mang cả tải trọng vũ khí thông thường và hạt nhân, đồng thời có thể tránh được sự phát hiện của radar.

Valiant Shield 24 là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, diễn ra 2 năm 1 lần tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm mục đích tăng cường khả năng tương tác và sẵn sàng hoạt động của các lực lượng vũ trang.

B-2 Spirit là một trong những mẫu máy bay ném bom đắt đỏ nhất từng được Mỹ chế tạo, có giá trị lên đến hơn 2 tỷ USD mỗi chiếc. Sản phẩm này do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển, được coi là đỉnh cao của đầu tư và công nghệ hàng không quân sự Mỹ.

Được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt General Electric F118-GE-100, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 1.010 km/giờ (Mach 0,95), trần bay 15.200m và tầm hoạt động 11.000km. B-2 Spirit có chiều dài 21,03m, sải cánh rộng 52,43m và có trọng lượng tối đa lên tới 158,8 tấn khi được trang bị vũ khí.

B-2 có khả năng mang nhiều loại vũ khí bên trong, bao gồm 16 tên lửa SRAM 2 hoặc AGM-129, cũng như bom hạt nhân B61 và B83. Khả năng mang vũ khí bên trong kết hợp với tính năng tàng hình khiến B-2 Spirit đặc biệt hiệu quả trong việc xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương và tấn công các mục tiêu có giá trị với độ chính xác cao.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-27-6-nga-trien-khai-phao-tu-hanh-2s43-malva-the-he-moi-toi-ukraine-782846