Quản lý 'cả ảo, cả thực'

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm: Thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì trên thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó.

Gia đình quản lý con cái trong đời thực thì cũng phải quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an thì làm không xuể.

Quả thực, đây là vấn đề rất mới đặt ra không chỉ cho nước ta mà cho tất cả các nước trên thế giới. Nói như đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), không gian mạng có đặc trưng là không biên giới. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn và xử lý tài khoản có vi phạm thì cũng giống như khi phòng, chống dịch Covid-19 chỉ dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa mà thiếu giải pháp nâng cao đề kháng bằng vaccine. Giải pháp quan trọng nhất là nâng cao sức đề kháng cho người dân, để người dân không tin, không nghe những thông tin xấu độc; có thêm nhiều thông tin hay, nhiều thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực, mang tính thuyết phục cao cho người dân đọc.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Chinhphu.vn

Cả Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đều nói rất đúng. Xã hội ảo giống như tấm gương phản chiếu xã hội thực. Xã hội ảo do xã hội thực sản sinh ra để phục vụ xã hội thực. Các nền tảng mạng xã hội được sinh ra để phục vụ nhu cầu kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin giữa con người với nhau bất kể khoảng cách về không gian hay thời gian. Các nền tảng bán hàng trực tuyến được sinh ra để phục vụ nhu cầu mua bán trong đời sống thực. Ngay cả những thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng cũng do con người sinh ra để phục vụ mục đích của những con người cụ thể. Đó có thể là nhằm câu lượt tương tác để nổi tiếng, thu về được nhiều tiền quảng cáo hơn; cũng có thể nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị, gây nhiễu loạn thông tin và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu nước ta từ bên trong... Mạng xã hội tưởng như ảo mà không ảo! Do vậy, nếu các cơ quan chức năng không quán xuyến lĩnh vực quản lý của mình trên không gian mạng là đang bỏ qua phần lớn vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Ngay trong một gia đình, nếu bố mẹ mới chỉ quản lý được con cái ở ngoài đời thực mà bỏ mặc con tự do muốn làm gì thì làm trên không gian mạng thì nguy hiểm cũng khôn lường.

Bởi thế, dù không gian mạng là không biên giới nhưng nước ta nhất quyết phải bảo vệ được chủ quyền của mình; bảo vệ được an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường lành mạnh trên không gian mạng, để không gian mạng thực sự là đòn bẩy cho mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển, mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho con người. Muốn thế, tất cả bộ, ngành, cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc, thực hiện đúng chức năng của mình ngoài đời thực trên không gian mạng. Thực tế, các quy định trong những văn bản pháp luật có liên quan ở nước ta dường như mới chỉ dừng lại ở việc phân chia trách nhiệm, quyền hạn quản lý nhà nước ở ngoài đời thực mà chưa quan tâm gắn liền với không gian mạng. Do vậy, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trên không gian mạng cũng cần phải rất được chú trọng trong thời gian tới.

Chỉ khi cả bộ máy nhà nước, cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc thì môi trường không gian mạng mới được bảo vệ an lành.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quan-ly-ca-ao-ca-thuc-710073