'Phủ sóng' dịch vụ công trực tuyến: Vắng bóng khách hàng tại kho bạc những ngày cuối năm
'Ngoại trừ những ngày thực hiện đối chiếu số liệu còn có người ra, người vào, còn hầu như cả ngày không có khách hàng nào đến giao dịch tại kho bạc. Chưa có năm nào những ngày quyết toán lại buồn như năm 2020'. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính về không khí khóa sổ quyết toán cuối năm, nhiều cán bộ Kho bạc Nhà nước (KBNN) địa phương cho biết, tuy không khí có 'buồn hơn' các năm trước nhưng lại là niềm vui cho khách hàng và cán bộ KBNN khi dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được áp dụng đã mang lại rất nhiều thuận lợi và lợi ích cho khách hàng.
KBNN Sơn La: “Cả ngày không có khách hàng đến giao dịch”
Chia sẻ không khí những ngày khóa sổ quyết toán cuối năm, ông Đặng Hồng Quang - Giám đốc KBNN Sơn La cho biết, từ ngày KBNN triển khai (DVCTT), ngoại trừ những ngày thực hiện đối chiếu số liệu còn có người ra, người vào, còn hầu như cả ngày không có khách hàng đến giao dịch, khác hẳn với cảnh tượng khách hàng xếp hàng dài chờ giao dịch như trước đây.
Mặc dù không khí khóa sổ tại KBNN Sơn La “buồn hơn” mọi năm, do không có khách hàng đến giao dịch, nhưng công việc của đội ngũ cán bộ ở đây vẫn diễn ra bình thường.
Tuy không khí có "buồn hơn" các năm trước nhưng lại là niềm vui cho khách hàng và cán bộ KBNN. Theo đó, nằm giúp các đơn vị sử dụng ngân sách không phải mang chứng từ trực tiếp đến giao dịch tại kho bạc, KBNN Sơn La đã “phủ sóng” DVCTT đến tất cả các huyện trên địa bàn. Do đó, tại trụ sở các đơn vị KBNN trên địa bàn đều vắng khách hàng đến giao dịch, chỉ có các cán bộ kho bạc thực hiện kiểm soát thanh toán các chứng từ trên hệ thống DVCTT do các đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến.
Chứng kiến không khí làm việc tại KBNN Sơn La có thể thấy, mặc dù không khí khóa sổ tại KBNN Sơn La “buồn hơn” mọi năm, do không có khách hàng đến giao dịch, nhưng công việc của đội ngũ cán bộ ở đây vẫn diễn ra bình thường, thậm chí phải làm thêm giờ vào buổi tối để kịp kiểm tra chứng từ của các đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ lên hệ thống DVCTT.
Trên thực tế, với một tỉnh miền núi như Sơn La, DVCTT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các đơn vị sử dụng ngân sách tại các huyện, xã ở xa, đường xá đi lại khó khăn, không phải mang hồ sơ, chứng từ trực tiếp đến giao dịch tại kho bạc. Theo thống kê, đến hết ngày 31/12/2020, toàn Tỉnh đã có 1.385 đơn vị sử dụng ngân sách kết nối thành công DVCTT, đạt tỷ lệ 100%.
Hiện nay, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện các dịch vụ trực tuyến tại kho bạc như: Chi trả tiền lương và phụ cấp theo lương, tiền công lao động thường xuyên theo hợp đồng, tiền thu nhập tăng thêm, tiền thưởng; tiền phụ cấp và trợ cấp khác; tiền khoán, tiền học bổng cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng và các khoản thanh toán cá nhân; tiền điện, nước và điện thoại; văn phòng phẩm, chi tiếp khách…
Đánh giá về DVCTT, ông Trần Trọng Quỳnh - Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp và phát triển đô thị tỉnh Sơn La cho biết, từ khi tham gia DVCTT kiểm soát chi qua kho bạc, kế toán của đơn vị không còn phải chạy đi, chạy lại tới kho bạc để đối chiếu số liệu, chứng từ như trước đây. Qua đó, tiết kiệm được thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động (văn phòng phẩm, in ấn…) cho đơn vị.
KBNN Hòa Bình: Về đích sớm
Giống như KBNN Sơn La, tại KBNN Hòa Bình, không khí làm việc trong những ngày cuối năm diễn ra bình thường, các cán bộ kho bạc cũng thực hiện làm thêm giờ để kịp thời xử lý các hồ sơ, chứng từ của các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn Tỉnh gửi trên hệ thống DVCTT.
Chia sẻ kinh nghiệm “phủ sóng” DVCTT nhanh chóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, Hòa Bình thuộc top các địa phương về đích sớm trong việc triển khai DVCTT.
Cụ thể, đến cuối tháng 10/2020, KBNN Hòa Bình đã hoàn thành việc triển khai DVCTT đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trong toàn Tỉnh (trừ khối an ninh, quốc phòng). Như vậy, KBNN Hòa Bình đã là một trong những địa phương về đích sớm trước thời hạn 2 tháng.
Nhờ triển khai DVCTT, công tác khóa sổ quyết toán tại KBNN Hòa Bình đã không còn cảnh khách hàng đến giao dịch tại kho bạc “đông vui” như các năm trước.
Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn thể cán bộ, công chức KBNN Hòa Bình bởi vì thức tế triển khai DVCTT ban đầu cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng ngân sách còn “ngại”, chưa muốn sử dụng loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa đến phương thức giao dịch mới, hiện đại, cán bộ, công chức KBNN Hòa Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng ngân sách tích cực tham gia sử dụng DVCTT.
“Trong quá trình sử dụng DVCTT, các đơn vị sử dụng ngân sách đã thấy rõ được những lợi ích của DVCTT mang lại nên đã xung phong triển khai, có đơn vị sử dụng ngân sách không thuộc đối tượng bắt buộc triển khai DVCTT nhưng cũng đăng ký tham gia, chưa cần đến sự vận động, tuyên truyền của kho bạc”, Giám đốc Lê Hoài Thanh chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu KBNN Hòa Bình, DVCTT là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để KBNN hướng tới hình thành Kho bạc số trong tương lai. Bởi vì, dịch vụ này mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và kho bạc. Lợi ích thất rõ nhất là năm 2020, nhờ triển khai DVCTT, công tác khóa sổ quyết toán tại KBNN Hòa Bình đã không còn cảnh khách hàng đến giao dịch tại kho bạc “đông vui” như các năm trước, nhưng áp lực về tiến độ xử lý chứng từ trong ngày đối với cán bộ kho bạc là rất lớn.
Trên hệ thống DVCTT cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”... Từ đó, góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.