Phòng ngộ độc thực phẩm từ bữa cỗ đông người

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại những bữa cỗ tập trung đông người.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý sẽ dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Do đó, để phòng ngừa ngộ độc, những gia đình khi đặt cỗ, hay đồ nấu sẵn cần lựa chọn cơ sở uy tín, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đoàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tại một siêu thị ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Lưu Thu

Đoàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tại một siêu thị ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Lưu Thu

Nguy cơ luôn hiện hữu

Khoảng giữa tháng 6-2023, anh L.N (39 tuổi ở Hà Nội) và con gái 17 tuổi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ngay trong đêm do bị đau bụng, nôn, đi ngoài… Khoảng 30 phút sau, vợ và con trai nhỏ của anh N. tiếp tục nhập viện. Trước đó, gia đình anh có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món nhưng riêng anh N. chỉ ăn canh cua. Khoảng 3 giờ sau khi ăn, cả gia đình bị đau bụng dữ dội kèm theo tiêu chảy, buồn nôn và nôn…

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, với các triệu chứng trên, khi nhập viện, 4 người trong gia đình anh N. có biểu hiện mất nước và rối loạn điện giải. Đây là các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Sau đó, các bệnh nhân được xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và điều trị phù hợp. Sau 3 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực, 4 người đều bình phục, được xuất viện.

Trước đó, vào giữa tháng 5-2023, dư luận xôn xao về vụ ngộ độc tập thể với 48 người mắc tại một đám cưới ở tỉnh Quảng Trị do cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C chế biến.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ sở nấu ăn cỗ của bà T.T.C không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm, không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt chủ cơ sở 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Tương tự, vào đầu tháng 5-2023, sau khi ăn tiệc cưới, hàng chục người ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cũng phải nhập viện điều trị trong tình trạng nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy... Sau đó, chủ cơ sở nấu đồ ăn này đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng và đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 4 tháng do có những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tại các bữa cỗ, bếp ăn tập thể đều liên quan đến thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng...

Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Trung Nguyên cũng cho rằng, việc chuẩn bị các bữa cỗ tập trung đông người, phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu. Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc.

Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè với thời tiết nắng nóng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Do đó, nếu thực phẩm được chế biến, bảo quản không hợp lý sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Để phòng ngừa ngộ độc, những gia đình thường xuyên đặt cỗ, đặt đồ ăn nấu sẵn cần lựa chọn những cơ sở uy tín, tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng cho rằng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, khi ăn uống tập trung đông người, hay ăn uống ở ngoài trời… dễ có nguy cơ ngộ độc hơn do các điều kiện thuận lợi như: Vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn. Thêm vào đó, thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn từ côn trùng, động vật gây hại, động vật và bụi. Điều đáng nói, các vi khuẩn gây ngộ độc phát triển dễ dàng hơn trên một số loại thực phẩm như: Thịt sống và thịt nấu chưa chín hẳn, hải sản, các sản phẩm từ sữa, các loại salad trộn, bánh pizza…

Các biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy, có thể sốt hoặc không… Đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... Các dấu hiệu trên thường xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc.

Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe như: Gây nôn, bù nước… Trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường như: Co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp… cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-ngo-doc-thuc-pham-tu-bua-co-dong-nguoi-623488.html