Phiên họp toàn thể lần thứ 23 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Chiều 24/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 23, thẩm tra đề nghị bổ sung các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực đất đai, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 theo hướng quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, để bảo đảm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực đồng thời, thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, tránh phát sinh vướng mắc, bất cập khi triển khai, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 theo hướng quy định các luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo các Nghị quyết trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ và các bộ liên quan đã rất tích cực, khẩn trương trong việc triển khai 3 Luật, chuẩn bị các điều kiện để các Luật này sớm đi vào cuộc sống. Đến nay, các nghị định, thông tư đã xây dựng sớm hơn rất nhiều so với tiến độ đề ra. Nếu có thể rút ngắn thời gian để các Luật này có hiệu lực thì sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc ở các địa phương, tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cũng như cho phép 3 Luật này có hiệu lực thi hành sớm hơn 6 tháng, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết; đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng hơn nữa về các tác động chính sách, nhất là tác động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, có ý kiến chỉ rõ, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mới chỉ có 6 địa phương gửi ý kiến đối với việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các Luật này. Do đó, các đại biểu đề nghị đánh giá rõ hơn mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành luật, nhất là về công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương.

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/phien-hop-toan-the-lan-thu-23-uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-20240524205640178.htm