Phép thử hậu thượng đỉnh của hai ông Biden và Putin
Nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm đảo ngược xu hướng rơi tự do trong quan hệ Mỹ - Nga đang đối mặt với một phép thử sớm khi thỏa thuận về các hành lang viện trợ quốc tế vào Syria sắp hết hạn.
Duy trì viện trợ đổ vào Syria là yêu cầu chính mà Tổng thống Biden đưa ra với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ trong tháng 6. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi cả Washington và Moscow cùng các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải đạt được một thỏa thuận trong tuần này.
Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 10/7.
Mỹ cùng các nước đồng minh không muốn các hoạt động viện trợ bị ngừng lại, bởi điều này có lợi cho người Syria đang sinh sống ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Trong khi đó, ông Putin lại muốn có được những nhượng bộ dành cho đồng minh của mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
"Vấn đề chiến lược cơ bản là Nga sẽ yêu cầu gì từ cộng đồng quốc tế và Mỹ để đổi lấy việc viện trợ cho 3,5 triệu người này", Bloomberg dẫn lời James Jeffrey, cựu đặc phái viên Mỹ về Syria và từng đàm phán về chiến dịch viện trợ xuyên biên giới với Moscow. "Mỹ đang chú trọng vấn đề này và nó thu hút rất nhiều sự chú ý".
Thời gian gần đây, Nga đã giảm dần viện trợ cho Syria, viện dẫn chiến dịch xuyên biên giới này, vốn có lợi cho những khu vực mà quân nổi dậy kiểm soát, làm suy yếu sức mạnh của chính quyền Assad. Sự can dự của Moscow vào cuộc xung đột ở Syria cách đây 6 năm đã khiến cho cán cân quyền lực ở quốc gia này thay đổi, dịch chuyển từ phía các cánh quân nổi dậy sang chính quyền Damascus.
Những người chỉ trích cho rằng, chính phủ của Tổng thống Assad đang giữ lại các loại hàng hóa cơ bản như thực phẩm và nước sạch, vốn dĩ dành cho hàng triệu người Syria, như một công cụ chiến tranh.
Để xoay sở tình hình, năm 2014, Liên Hợp Quốc đã phê duyệt bốn cửa khẩu biên giới phục vụ phân phát viện trợ vào Syria. Tuy nhiên, tới năm ngoái chỉ còn duy nhất một cửa khẩu.
Hội đồng Bảo an đang đàm phán một nghị quyết, do Ireland và Na Uy soạn thảo, dự định giữ cho hành lang viện trợ hiện thời ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mở, đồng thời khôi phục một cửa khẩu từ Iraq. Nhưng nghị quyết này không làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hài lòng, vì theo bà, cần phải mở 3 cửa khẩu.
"Hàng triệu người Syria đang gặp khó khăn, và nếu không hành động khẩn cấp, hàng triệu người khác sẽ bị cắt lương thực, nước sạch, thuốc men và vắc xin Covid-19", nữ đại sứ Thomas-Greenfield giải thích.
Tuy nhiên, Nga đang phát đi tín hiệu rằng, chỉ duy trì một cửa khẩu thôi cũng rất khó khăn.
Trong khi phương Tây từ chối ràng buộc các cuộc đàm phán viện trợ nhân đạo vào yêu cầu của Nga là phải giảm bớt cấm vận nhằm vào chính quyền Assad, Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng trước thông báo đã dỡ bỏ các đòn trừng phạt đối với hai tập đoàn có trụ sở ở Dubai thuộc quyền kiểm soát của thương gia Samer Foz. Hồi năm 2019, ông này bị Bộ Tài chính Mỹ cho là "trực tiếp hỗ trợ chính quyền Assad".
Một phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ giấu tên cho biết, Bộ xác định đã có sự thay đổi về hoàn cảnh hoặc hiện trạng phía các công ty, dẫn đến dỡ bỏ cấm vận. Quan chức này chỉ ra rằng, ông Foz cùng hai người thân của ông vẫn tiếp tục chịu trừng phạt.
Cựu đặc phái viên Jeffrey nhận định, hành động đối với các công ty nói trên có thể được xem là một tín hiệu gửi đến Moscow. Tuy nhiên, ông cảnh báo một sự dàn xếp lớn hơn về Syria sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi trong hành xử của chính quyền Assad và trách nhiệm giải trình của nhà lãnh đạo Syria.
Trong bối cảnh đó, quan chức phụ trách nhân đạo của Liên Hợp Quốc Ramesh Rajasingham cảnh báo, việc không gia hạn ủy quyền hành lang viện trợ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Syria, làm gián đoạn "viện trợ cho 3,4 triệu người khó khăn trên khắp vùng tây bắc, với rất nhiều trong số họ thuộc diện dễ bị tổn thương nhất ở Syria".
Theo Bloomberg, hàng chục tổ chức phi chính phủ cũng phản ánh rằng, nếu các cửa khẩu không được mở thì hậu quả sẽ rất thảm khốc, đặc biệt là khi họ đang tìm cách tiêm ngừa Covid-19 cho cư dân các vùng mà quân nổi dậy kiểm soát ở Syria.