Phát triển toàn diện 'hệ sinh thái' giao thông

Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 45,5 triệu xe máy và 6,5 triệu ô-tô đang lưu hành. Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng sở hữu ô-tô của Việt Nam đạt 17%/năm, nhanh nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc (14%/năm) và Ấn Độ (10%/năm). Hiện nay, GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 USD/năm (hơn 100 triệu đồng), do đó, tỷ lệ sở hữu ô-tô trong những năm tới được dự báo sẽ tăng nhanh hơn nữa.

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC tận dụng nền tảng dịch vụ ETC sẵn có, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai giải pháp gửi xe không dừng. (Ảnh: HUYỀN TRANG)

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC tận dụng nền tảng dịch vụ ETC sẵn có, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai giải pháp gửi xe không dừng. (Ảnh: HUYỀN TRANG)

Hiện nay, một số nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ như Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) đã thí điểm triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt, không dừng tại Hà Nội, sắp tới là Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu cho thấy kết quả tích cực.

Minh bạch, hài hòa lợi ích

Trong xu thế chung của ứng dụng giao thông thông minh, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng ETC để tạo ra một “hệ sinh thái” dịch vụ giao thông thông minh như thu phí tại các cảng hàng không, cảng biển; thu phí bãi đỗ xe, phí kiểm định; thanh toán vé xe bus, tàu điện,… Theo Tiến sĩ Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông, việc thanh toán trông giữ xe không dùng tiền mặt với các tiêu chí minh bạch, thuận tiện và văn minh, hiện đại đã hài hòa lợi ích cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đối với người dân, khi triển khai mô hình này sẽ hạn chế tiêu cực, thu đúng giá, thuận tiện ra vào không dừng, dễ tìm kiếm đặt chỗ và tiết kiệm thời gian. Chính quyền cũng không bị thất thu thuế; doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các bộ, ngành sẽ cùng xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm dữ liệu về đăng ký, quản lý phương tiện; đăng kiểm; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; xử lý vi phạm hành chính,... Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng chính sách và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng số phương tiện dán thẻ ETC, mở tài khoản thu phí cả nước hiện nay đã đạt gần sáu triệu phương tiện, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm khoảng 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc. Từ khi triển khai “thuần ETC” trên các tuyến cao tốc đến nay, đã có hơn một tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống này. Cùng với đó, dữ liệu từ hệ thống ETC có thể sử dụng để kiểm soát phương tiện ra vào các khu vực hạn chế, các bãi đỗ xe; tạo điều kiện dễ dàng trong việc phát triển các tính năng như tìm kiếm bãi đỗ xe thông minh, đặt chỗ bãi đỗ trước,… Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã đặt nền móng phát triển hệ thống ETC tại Việt Nam, nhưng chủ yếu mới tập trung vào thu phí đường bộ, chưa đề cập đến các dịch vụ giao thông khác.

ETC - “chìa khóa” ứng dụng công nghệ

Vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chạy thử giai đoạn 1 đối với ba làn ra thuộc hệ thống ETC và thu tự động không dừng dịch vụ vào/ra, dừng, đỗ tại sân đỗ ô-tô Nhà ga hành khách T1. Dự kiến, trước dịp Tết Dương lịch sắp tới, Cảng sẽ triển khai giai đoạn 2. Chủ xe đã có tài khoản ETC sử dụng trên các quốc lộ, đường cao tốc có thể lưu thông qua làn thu phí của sân bay mà không cần dán thêm thẻ hay phát sinh thêm thủ tục, bởi hệ thống được tích hợp đồng bộ. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế số, ETC chính là “chìa khóa” mở cửa cho các ứng dụng công nghệ cao như IoT, Big Data và thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học về tác động của hệ thống ETC tại Việt Nam của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Đại học Quốc gia Singapore và các đồng sự, năm 2023, năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC tại các tuyến đường cao tốc trên cả nước, Việt Nam đã tiết kiệm 442,7 triệu USD (tăng 14 lần so với năm 2019). Ước tính giai đoạn 2019-2030, Việt Nam có thể giảm 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727 nghìn tấn xăng và dầu diesel, hơn một tỷ giờ nhân lực, tổng lợi ích kinh tế mang lại cho xã hội khoảng 5,3 tỷ USD.

“Phủ xanh” bãi đỗ xe công nghệ tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua đã giúp trải nghiệm giao thông của người dân được liền mạch, thông suốt.

“Sự phát triển của hệ thống ETC là tất yếu để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Các ứng dụng tiềm năng của ETC nên được mở rộng sang các hệ thống thanh toán kỹ thuật số tương tự cho thu phí nội đô, bãi đậu xe (e-parking), đổ xăng không tiền mặt hoặc các cơ sở thu phí khác. Thông qua giảm tắc nghẽn, giảm lượng khí thải và nâng cao hiệu quả hoạt động, hệ thống ETC cung cấp các giải pháp bền vững cho những thách thức về di chuyển trong và ngoài đô thị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương khẳng định.

Dịch vụ trông giữ xe không tiền mặt đã chứng minh hiệu quả vượt trội khi thể hiện rõ nét hiệu quả đạt được “ba giảm, ba tăng”: Giảm thời gian, giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí; tăng chất lượng dịch vụ, tăng tính công khai, minh bạch và tăng niềm tin của người dân. “Phủ xanh” bãi đỗ xe công nghệ tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua đã giúp trải nghiệm giao thông của người dân được liền mạch, thông suốt. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội, Công ty VETC đã cung cấp dịch vụ tại gần 200 bãi đỗ, trong đó có 108 điểm trông giữ ô-tô và 78 điểm trông giữ xe máy. Hệ thống VETC đã ghi nhận gần 800.000 lượt giao dịch, với tổng giá trị hơn sáu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết: Công ty VDTC và chi nhánh Viettel Hà Nội đã triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán phí dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 168 bãi đỗ, điểm đỗ ô-tô, xe máy cho 30 doanh nghiệp, đơn vị như Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Công ty cổ phần Đồng Xuân, Công ty cổ phần 901,… Tính đến hết tháng 9, đơn vị ghi nhận trên hệ thống gần 539 nghìn giao dịch, tổng doanh thu hơn ba tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Công ty VETC chia sẻ: Nhờ sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư bãi đỗ, giải pháp công nghệ của VETC sẽ tiếp tục mở rộng diện “phủ sóng” một cách nhanh chóng, mạnh mẽ tại Hà Nội. Những đón nhận tích cực từ phía người dân cũng như thành quả ban đầu của các bên liên quan là động lực, minh chứng quan trọng cho thấy các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang đi đúng hướng, đóng góp quan trọng trên hành trình đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh, Việt Nam trở thành quốc gia số.

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phat-trien-toan-dien-he-sinh-thai-giao-thong-204181.html