Phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng phát triển triển Thanh Hóa

Trong các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là một thành tố đóng vai trò quan trọng góp phần mở rộng khả năng phát hiện và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định khoa học công nghệ là một trong 4 khâu đột phá của tỉnh: “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định khoa học công nghệ là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh là “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” … đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN, mô hình sản xuất tiên tiến, từ đó nâng cao trình độ KHCN&ĐMST của toàn tỉnh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống của Nhân dân.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) được nâng lên rõ rệt; KHCN đang từng bước trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trình độ công nghệ sản xuất 08 nhóm ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, gồm: thực phẩm và đồ uống, dệt may và da giầy, giấy và bao bì, cao su hóa và dược phẩm, kim loại, chế tạo máy, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng được đánh giá ở mức độ trung bình đến trung bình tiên tiến với thành phần công nghệ THIO trung bình là 57,3 và hệ số đóng góp công nghệ TCC là 0,5484; đã hình thành một số ngành công nghiệp mới, như: sản xuất than cốc, sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; phát triển được một số sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng KHCN cao như lọc hóa dầu, điện mặt trời...

Hệ thống tổ chức KHCN công lập được sắp xếp; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, nhất là các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng thuộc ngành nông nghiệp. Nhân lực KHCN tăng cả về số lượng và chất lượng; toàn tỉnh hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, tăng 8% so với năm 2015; đã hình thành một số nhóm chuyên gia KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công nghệ thông tin. Giai đoạn 2012 - 2021, có 367 công trình nghiên cứu khoa học và bài báo được công bố trên các tạp chí quôc tế; có 04 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh hiện có 31 doanh nghiệp KHCN, đứng thứ 3 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản) chuyển dần sang tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ người lao động để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đóng góp của KHCN cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 38,7%, tăng 27,6% so với giai đoạn 2011-2015.

Thị trường KHCN đã được hình thành; giai đoạn 2012 - 2021, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyển giao KHCN phục vụ công tác tư vấn, đánh giá, phát triển thị trường công nghệ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả nghiên cứu KHCN không sử dụng NSNN nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm KHCN tự nghiên cứu; hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN tham gia Chợ công nghệ và thiết bị (TechMart), Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo); tiếp cận Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, riêng đối với Quỹ Phát triển KHCN của tỉnh đã cho vay 31 dự án KHCN, có 07 doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh đã trích lập Quỹ phát triển KHCN với tổng số vốn là 2,950 triệu đồng. Từ năm 2012 đến nay, có 33 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có 9 giải vàng.

Hoạt động KHCN liên tục đổi mới, tham gia hiệu quả vào các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp: hoạt động ứng dụng và phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: nhiều công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao thành công đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: nhiều thành tựu y học hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh thuộc top đầu cả nước về lĩnh vực y tế như: ứng dụng kỹ thuật SPECT, MRI, PET/CT; chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm Hematoxyline Eosin, nhuộm Giemsa... Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung vào nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học nhằm cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nhận thức về quê hương, con người xứ Thanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KHCN&ĐMST còn chưa đầy đủ, toàn diện; Hoạt động KHCN chưa thực sự trở thành động lực, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, số nhiệm vụ KHCN có hàm lượng khoa học cao chưa nhiều; hoạt động đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít. Tỷ lệ cán bộ KHCN của tỉnh mới đạt 3,5 người/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (7,57 người/1 vạn dân). Thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực KHCN. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường KHCN phát triển chưa mạnh, chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh để kết nối cung - cầu về KHCN. Số lượng sáng chế được bảo hộ còn ít; việc ứng dụng chuyển đổi số và số hóa trong quản trị doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh.

Để phát huy vai trò của KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững; trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về phát triển KHCN&ĐMST.

Xác định rõ KHCN&ĐMST là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số. Hằng năm, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KHCN&ĐMST vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành và địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh truyền thông về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hướng mạnh đến tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên; khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thể hệ trẻ.

Thứ hai, rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng nhân lực KHCN chất lượng cao trong từng ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao làm việc tại tỉnh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực để giới thiệu cho các doanh nghiệp, các tổ chức KHCN có nhu cầu; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; quan tâm đào tạo nghề, kỹ năng thực hành công nghệ số cho người lao động trong sản xuất nông nghiệp. Lựa chọn một số khoa, chuyên ngành của Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao.

Thứ ba, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin sản xuất phần mềm, nội dung số.

Thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông... Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nhất là các ngành công nghiệp truyền thống như: xi măng, đá ốp lát, gạch không nung, cát nhân tạo... để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thân thiện với môi trường.

Thứ tư, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thử nghiệm hiện có tại các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KHCN.

Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số phòng thí nghiệm, thử nghiệm để đạt tiêu chuẩn VILAS, tiêu chuẩn ngành. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, thử nghiệm và phát triển tổ chức KHCN, nhất là các tổ chức KHCN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y dược. Thu hút các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng nguồn ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN; đối ứng thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia; thực hiện chính sách khuyến khích phát triển KHCN. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh cân đối, bố trí tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho hoạt động KHCN&ĐMST; đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn của các thành phần kinh tế, nhất là vốn của các doanh nghiệp KHCN, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn để đầu tư phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức KHCN liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN.

Thứ sáu, đổi mới công tác quản lý nhà nước về KHCN, nhất là việc giao thực hiện, đánh giá nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước; việc đánh giá, công nhận kết quả nghiên cứu khoa học.

Sửa đổi, bổ sung Quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở có sử dụng ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc lựa chọn và thực hiện các nhiệm vụ, đề tài KHCN. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN công lập. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ - thiết bị. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu về công nghệ, các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường KHCN; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...) đối với các sản vật, đặc sản địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Với những thành tựu đạt được và sự đóng góp quan trọng trong giai đoạn vừa qua, KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định được vai trò, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong thời gian tới, hy vọng hoạt động KHCN&ĐMST sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò là nền tảng, động lực góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa “Đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”./.

Nguyễn Tuyết Nhung- Phó Trưởng phòng Khoa giáo, BTGTU Thanh Hóa

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/phat-huy-vai-tro-cua-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-gop-phan-xay-dung-phat-trien-trien-thanh-hoa-144383