Phân cấp cho địa phương giám sát cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm
Các đơn vị đăng kiểm của ngành Công an, Quân đội được tham gia kiểm định phương tiện dân sự khi được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép kết hợp quốc phòng-an ninh với kinh tế.
Ngày 2/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp; Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an)... về tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (dự thảo Nghị định).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, dự thảo Nghị định được thiết kế theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ kiểm định xe ôtô; thực hiện phân cấp cho địa phương (cụ thể là, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra, giám sát, kiểm định cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về đăng kiểm; tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ nhân lực cho công tác quản lý hoạt động đăng kiểm của các Sở Giao thông Vận tải.
Dự thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải địa phương và chức năng cung cấp dịch vụ của các đơn vị đăng kiểm. Trong đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, thống nhất quản lý hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên trên cả nước; kết nối, chia sẻ dữ liệu xe cơ giới kiểm định với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Về điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến đề nghị, có tối thiểu một lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định; bỏ quy định cứng về thiết bị, máy móc, tổ chức nhân sự của đơn vị đăng kiểm, nhưng siết các khâu kiểm định trên quan điểm “mở về công suất, siết về kỹ thuật, kết quả kiểm định.”
Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về xây dựng, ban hành giá dịch vụ đăng kiểm; xử lý vi phạm của đăng kiểm viên, đơn vị đăng kiểm; cấp lại giấy chứng nhận kiểm định bị mất; bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất cho hoạt động đăng kiểm; hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát đơn vị đăng kiểm của Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đã được tiếp thu sát thực tiễn, bảo đảm phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ nội hàm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, nhất là một số hoạt động liên quan đến kỹ thuật để địa phương có thể triển khai; gắn trách nhiệm địa phương và thực hiện quản lý nhà nước thông qua quy hoạch mạng lưới đơn vị đăng kiểm; hài hòa trong tiếp nhận, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đăng kiểm của các nước, các hãng xe, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Các đơn vị đăng kiểm của ngành Công an, Quân đội (đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe ôtô) được tham gia kiểm định phương tiện dân sự khi được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép kết hợp quốc phòng-an ninh với kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần có quy định, giải pháp để các chủ phương tiện quan tâm đến “sức khỏe” của phương tiện, thực hiện kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại xe giữa hai kỳ đăng kiểm... làm cơ sở để kiểm định phương tiện trong lần tiếp theo./.