PGS.TS Phạm Minh Tuyên, người thầy với nhiều tâm huyết của ngành Luật

'Bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giáo dục luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Thầy cô giáo luôn luôn là tấm gương cho học sinh học tập và noi theo. Với cương vị Giám đốc Học viện Tòa án, tôi luôn nhắc nhở các sinh viên của trường phải luôn tích cực rèn luyện, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp, bởi đó là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, hiểu dân, học dân', đó là tâm sự của PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án.

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án. Ảnh: Đức Điệp

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án. Ảnh: Đức Điệp

Đưa các thế hệ học trò ngành Luật lên một bước phát triển mới

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Sự nghiệp “đưa đò” dẫu gian nan nhưng lại vô cùng thiêng liêng. Bởi vậy, dù trải qua nhiều cương vị công tác, từ cán bộ phòng tổ chức cho đến thẩm phán, rồi chánh án… nhưng PGS.TS Phạm Minh Tuyên vẫn chọn Học viện Tòa án để đóng góp, để truyền lửa và tiếp tục đưa các thế hệ học trò ngành Luật lên một bước phát triển mới. Với bề dày hơn 45 năm công tác, PGS.TS Phạm Minh Tuyên hôm nay không chỉ là một người thẩm phán cao cấp, một vị chánh án hay một Giám đốc Học viện mà gần gũi hơn, là một người "lái đò" dày dặn tri thức, kinh nghiệm. Với những kiến thức sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn công tác xét xử để lái những chuyến đò cập bến thành công, góp phần đào tạo thành công nhiều thế hệ cán bộ tòa án hiện tại và tương lai.

Trước khi giữ chức vụ Giám đốc Học viện Tòa án, PGS.TS Phạm Minh Tuyên là thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh và là một nhà nghiên cứu khoa học với nhiều công trình nổi tiếng được nhiều người biết đến. Từ khi còn là Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, PGS.TS Phạm Minh Tuyên đã xuất bản 4 cuốn sách (được chuyên gia của JICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, cùng Vụ Hợp tác quốc tế - TANDTC thẩm định) hiện được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các thẩm phán và thư ký khi nghiên cứu giải quyết các vụ án gồm: Sổ tay “Quy trình giải quyết vụ án hình sự”; "Các tội phạm về ma túy - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử ở Việt Nam”; “Các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử ở Việt Nam” năm 2014 và tham gia viết một chương trong cuốn “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”- sách do dự án JICA tài trợ.

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án tặng thưởng Giấy khen cho tập thể Ban Xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo Thạc sĩ ngành Luật. Ảnh: Đức Điệp

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án tặng thưởng Giấy khen cho tập thể Ban Xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo Thạc sĩ ngành Luật. Ảnh: Đức Điệp

Bản thân PGS.TS Phạm Minh Tuyên trực tiếp chủ biên các cuốn sách nghiệp vụ như: “Kỹ năng xét xử các vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”; “Bình luận những vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự 2020”; Chủ biên cuốn “Bình luận chuyên sâu Bộ luật Hình sự năm 2015” với các phần phân tích về án lệ, bình luận về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; đồng chủ biên cuốn “Cẩm nang giải quyết các vụ án về dân sự, kinh doanh thương mại và lao động” năm 2022.

Về giáo trình giảng dạy, PGS.TS Phạm Minh Tuyên cũng là đồng chủ biên Giáo trình “Kỹ năng xét xử các vụ án hình sự” cho Học viện Tòa án; Chủ biên Giáo trình “An sinh xã hội” cho Đại học Kinh Bắc năm 2020. Ngoài ra ông còn trực tiếp viết nhiều chuyên đề giảng dạy về hình sự và tố tụng hình sự cho Học viện Tòa án; chuyên đề “Kỹ năng của điều tra viên khi tham dự phiên tòa” cho Học viện Cảnh sát; chuyên đề “kỹ năng thẩm vấn của Kiểm sát viên tại các phiên tòa” cho Đại học Kiểm sát; viết nhiều tham luận và tổ chức cho các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế dưới sự tài trợ của tổ chức Jica của Nhật Bản và Koica của Hàn Quốc.

Năm 2021, PGS.TS Phạm Minh Tuyên được Chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Tòa án. Từ khi giữ chức vụ, PGS.TS Phạm Minh Tuyên đã xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức biên soạn các tài liệu tập huấn cho Hội thẩm nhân dân trên toàn quốc, trực tiếp viết các chuyên đề tập huấn chuyên sâu về ma túy, rửa tiền, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và kỹ năng xét xử các vụ án đối với người dưới 18 tuổi để tập huấn chuyên sâu cho các thẩm phán trên toàn quốc theo các đề án của TAND Tối cao.

PGS.TS Phạm Minh Tuyên chia sẻ, là cán bộ nhiều năm làm công tác thực tiễn, song ông luôn có niềm say mê nghiên cứu khoa học, và tâm huyết với công tác giảng dạy. Bản thân ông luôn tìm tòi nghiên cứu với mong muốn kế thừa những quan điểm của các nhà khoa học, luật gia hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hình sự, song cũng có hướng đi riêng cho bản thân mình. Chính vì vậy, nhiều chuyên đề, cuốn sách nghiên cứu về tố tụng hình sự đã ra đời.

Người thầy gắn bó với nhiều công trình khoa học

 PGS.TS Phạm Minh Tuyên nhận những bó hoa tươi thắm của các thế hệ thầy cô và học trò Học viện Tòa án. Ảnh: Đức Điệp

PGS.TS Phạm Minh Tuyên nhận những bó hoa tươi thắm của các thế hệ thầy cô và học trò Học viện Tòa án. Ảnh: Đức Điệp

PGS. TS Phạm Minh Tuyên đã có hơn trăm bài báo khoa học được đăng trên các Tạp chí Tòa án (bản in và bản điện tử); Tạp chí Kiểm sát; Tạp chí Pháp luật phát triển; Tạp chí Khoa học Kiểm sát; các tạp chí thuộc Hệ thống Scopus và tạp chí online quốc tế. PGS.TS Phạm Minh Tuyên có một mẫn cảm pháp luật như thế, nên hoạt động nghiên cứu pháp luật hình sự tạo nên được những dấu ấn đáng ghi nhớ.

Tại nhiều diễn đàn và các công trình khoa học đã công bố, ông đưa ra những kiến nghị về bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, về bảo đảm tính độc lập của tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về vấn đề quyền tư pháp, đổi mới tư duy xét xử của tòa án… Những kiến nghị về thay đổi thời hạn xóa án tích, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Theo PGS.TS Phạm Minh Tuyên, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giáo dục luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Và các thầy cô giáo luôn luôn là tấm gương cho học sinh học tập. Với cương vị Giám đốc Học viện Tòa án, ông luôn nhắc nhở các sinh viên của trường phải luôn tích cực rèn luyện, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp, bởi đó là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, hiểu dân, học dân.

 Có thể nói PGS.TS Phạm Minh Tuyên là số ít những nhà khoa học, vừa có thực tiễn xét xử, vừa là nghiên cứu luật học về chuyên ngành luật hình sự sâu rộng và kinh nghiệm giảng dạy, nhà quản lý đào tạo như hiện nay. Ảnh: Đức Điệp

Có thể nói PGS.TS Phạm Minh Tuyên là số ít những nhà khoa học, vừa có thực tiễn xét xử, vừa là nghiên cứu luật học về chuyên ngành luật hình sự sâu rộng và kinh nghiệm giảng dạy, nhà quản lý đào tạo như hiện nay. Ảnh: Đức Điệp

Hoạt động xét xử là lao động đặc thù, đòi hỏi người thẩm phán phải nắm vững các quy định của pháp luật và vận dụng phù hợp để giải quyết từng vụ án được phân công thật sự đúng pháp luật, khách quan, toàn diện và được dư luận đồng tình. Có thể nói PGS.TS Phạm Minh Tuyên là số ít những nhà khoa học, vừa có thực tiễn xét xử, vừa là nghiên cứu luật học về chuyên ngành luật hình sự sâu rộng và kinh nghiệm giảng dạy, nhà quản lý đào tạo như hiện nay.

Từ năm 2006, PGS.TS Phạm Minh Tuyên tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp. Ông cũng đã là giảng viên đạo tạo sau đại học tại các cơ sở như: Học viện Cảnh sát, Học viện Khoa học xã hội và tham gia Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực tiếp hướng dẫn thành công hàng chục học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ Luật học; nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ…

TS. Nguyễn Minh Sử, Phó Giám đốc HVTA phát biểu cảm ơn, tri ân Giám đốc Học viện (Ảnh: Đức Điệp)

TS. Nguyễn Minh Sử, Phó Giám đốc HVTA phát biểu cảm ơn, tri ân Giám đốc Học viện (Ảnh: Đức Điệp)

Trong suốt quá trình công tác tại các đơn vị, PGS.TS Phạm Minh Tuyên đã khen thưởng nhiều hình thức cao quý của Nhà nước như danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. “Nhưng có lẽ danh hiệu cao quý hơn cả, thành công hơn cả đối với Thầy hôm nay là sự biết ơn, sự kính trọng, sự thương yêu của tập thể cán bộ nhân viên dưới quyền, của đông đảo đồng nghiệp trong hệ thống Tòa án và trong giới các nhà khoa học chuyên ngành Luật ở Việt Nam…”, một đồng nghiệp của PGS.TS Phạm Minh Tuyên tâm sự.

Ngày 30/5/2024, Học viện Tòa án đã long trọng tổ chức Lễ Tri ân và chia tay PGS.TS Phạm Minh Tuyên. Đến tham dự buổi lễ là những khách mời đặc biệt: TS. Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao; TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; TS. Trần Văn Hà, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tòa án; các đồng chí Mai Văn Nam và Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo TAND huyện Thuận Thành, TAND huyện Gia Lâm, TAND quận Long Biên; Công an huyện Gia Lâm…

Tại buổi lễ, thay mặt Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện, đồng chí Nguyễn Minh Sử, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện đã xúc động gửi lời tri ân sâu sắc và ghi nhận những đóng góp cả về sức lực, trí tuệ và tâm huyết của PGS.TS Phạm Minh Tuyên trong thời gian công tác tại Học viện, đồng thời chúc các đồng chí về nghỉ chế độ mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy phẩm chất người cán bộ Tòa án, theo dõi sự phát triển của ngành cũng như của đơn vị.

Với những tình cảm hết sức sâu sắc mà tập thể lãnh đạo và các viên chức, giảng viên, người lao động HVTA dành cho PGS.TS Phạm Minh Tuyên, đồng chí đã xúc động chia sẻ: “Trong thời gian công tác, trải qua nhiều vị trí, công việc khác nhau dù vất vả hay khó khăn nhưng bản thân luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo cùng toàn thể viên chức, người lao động HVTA. Chúc các đồng chí trong cơ quan thật nhiều sức khỏe, công tác tốt và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

“Nhìn lại quá trình đi lên, rèn luyện và gặt hái thành công của thầy Phạm Minh Tuyên, chúng ta càng thêm ngưỡng mộ tinh thần tự học, tự rèn luyện, tự phấn đấu của thầy. Thầy là một tấm gương, là động lực to lớn thúc đẩy các giảng viên, học viên, sinh viên đang trong quá trình phấn đấu có thể ý thức được năng lực và nhiệm vụ của chính mình, từ đó góp phần vào xây dựng một Học viện Tòa án mai này ngày một đoàn kết, vững mạnh…”, một sinh viên Học viện Tòa án chia sẻ.

Quốc Doanh - Đức Điệp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/pgsts-pham-minh-tuyen-nguoi-thay-voi-nhieu-tam-huyet-cua-nganh-luat-382836.html