Ô nhiễm không khí và tác động của Covid-19

Đây là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến do Đại sứ quán Mỹ tổ chức vào chiều ngày 7-5.

Việc phong tỏa và các biện pháp liên quan để kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 đã khiến cho bầu không khí ở nhiều nơi trong lành hơn. Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, trong thời gian từ ngày 20-3 đến 10-4 (trong đó có thời gian thực hiện cách ly xã hội), chất lượng không khí tại các khu vực đô thị tốt hơn so với thời gian tháng 1 và 2 năm 2020. Kết quả cũng cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và tuần đầu tiên của tháng 4 năm nay thấp hơn hẳn so với thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 và cùng kỳ các năm trước đó.

 Các diễn giả tham gia trao đổi trực tuyến tại buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình.

Các diễn giả tham gia trao đổi trực tuyến tại buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình.

Để có thể đưa ra đánh giá trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã sử dụng sản phẩm mật độ NO2 được thu nhận từ vệ tinh Sentinel 5P của cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA). Kết quả cho thấy, mật độ NO2 trong thời gian cách ly xã hội so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái có xu hướng giảm ở các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và có xu hướng tăng ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên mức độ tăng không đáng kể.

Lý giải về kết quả trên, bà Nguyễn Thị Nhật Thanh, nhà khoa học máy tính, chuyên gia viễn thám tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên thực tế, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ việc hạn chế các phương tiện đi lại.

Còn theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế Cộng đồng Hà Nội, thực tế quan sát cho thấy dịch Covid-19 có thể nguy hiểm hơn ở những khu vực bị ô nhiễm nặng. Ở Việt Nam, trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhiều hoạt động công nghiệp đã tạm dừng hoặc hạn chế khiến cho không khí trở nên trong lành hơn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dịch bệnh cũng kéo theo sự gia tăng của các sản phẩm dùng một lần như khẩu trang, đồ bảo hộ, túi nilon, chai nhựa…

Bà Nhung cũng đưa ra giả thiết về vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà tại một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc… Một số khu vực tại các quốc gia này có điều kiện sống không đầy đủ và không khí trong nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khói thuốc lá cũng như khói từ việc đun nấu thủ công. Vì vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi.

Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/o-nhiem-khong-khi-va-tac-dong-cua-covid-19-617270