Ô nhiễm không khí có nguy cơ gây ung thư phổi ở người không hút thuốc
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine cho thấy ô nhiễm không khí chiếm 53-70% các trường hợp ung thư phổi ở những người không hút thuốc trên toàn thế giới.
Một nghiên cứu được công bố vào Ngày Ung thư Thế giới (4/2) đã nêu bật mối liên hệ ngày càng tăng giữa ô nhiễm không khí và sự gia tăng của ung thư phổi, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến, ở những người không hút thuốc.
Dạng ung thư phổi này đã trở thành phân nhóm phổ biến nhất ở phụ nữ trên 185 quốc gia. Năm 2022, ung thư phổi được chẩn đoán ở 2,5 triệu người trên toàn cầu, với gần một triệu trường hợp ở phụ nữ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine đã chỉ ra ô nhiễm không khí là một yếu tố chính góp phần vào xu hướng này, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Trung Quốc.
Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí chiếm 53-70% các trường hợp ung thư phổi ở những người không hút thuốc trên toàn thế giới. Tình trạng này đã gia tăng ở cả nam giới và phụ nữ từ năm 2020 đến 2022, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh.
Khi tỷ lệ hút thuốc giảm trên toàn cầu, tỷ lệ các trường hợp ung thư phổi ở những người không hút thuốc đã tăng lên, khiến đây trở thành nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ 5 trên toàn thế giới.
Xu hướng này đặc biệt quan trọng ở phụ nữ và dân số châu Á, với mối liên hệ chặt chẽ giữa ung thư biểu mô tuyến và ô nhiễm không khí ở các khu vực như Đông Á.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc đốt nhiên liệu rắn trong gia đình để sưởi ấm và nấu ăn là tác nhân chính gây ung thư phổi ở phụ nữ Trung Quốc không hút thuốc./.