Ở lại Việt Nam ăn Tết

Tết đến xuân về là dịp để mọi người đoàn viên cùng gia đình. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc với những người nước ngoài xa quê hương sang Việt Nam làm việc.

Gia đình anh Tan Soon Pong, người Singapore, đang ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) quây quần đầm ấm bên bữa cơm

Thế nhưng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều người thay đổi thói quen này. Ở lại Việt Nam đón Tết, họ càng có dịp hiểu sâu hơn, thêm yêu truyền thống và văn hóa Việt.

Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương), cuộc sống của anh Lý Gia Bình (người Trung Quốc) và chị Ngô Thị Phượng (quê ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai) luôn đầy ắp tiếng cười của cậu con trai Lý Thao và cô con gái Lý Vân. Khi sang Việt Nam làm việc, anh Lý không có ý định ở đây lâu dài. Thế nhưng cuộc gặp gỡ với chị Phượng cùng làm ở Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision (Cẩm Giàng) đã khiến anh thay đổi. “Tôi cảm nhận được hạnh phúc, sự vui vẻ khi nói chuyện với Phượng và quyết định kết hôn với cô ấy", anh Lý chia sẻ. Dù Hải Dương không phải là quê hương nhưng nơi đây ghi dấu nhiều kỷ niệm nên họ đã quyết định gắn bó lâu dài.

Bình thường, Tết Nguyên đán được nghỉ dài ngày, vợ chồng anh Lý Gia Bình sẽ về quê nội ăn Tết, còn Tết dương lịch và rằm tháng giêng về bên ngoại. Hai năm nay, một phần vì dịch bệnh, một phần vì các con còn nhỏ nên anh Lý đã quyết định ăn Tết tại Việt Nam. So với người Việt, phong tục đón Tết của gia đình anh Lý, chị Phượng có nhiều sự khác biệt. Theo anh Lý, ở quê anh vào ngày 30 Tết, con cháu trong dòng họ đều tập trung về nhà thờ tổ cùng nhau ăn uống, múa trống, cồng chiêng và đốt pháo. Nếu nhà ai chưa đốt pháo thì Tết đó chưa to, chưa vui. Theo phong tục tập quán của quê nội nên gia đình anh Lý, chị Phượng ở Việt Nam không lập bàn thờ, không thực hiện các nghi lễ thờ cúng ngày Tết. Tối 30 Tết, gia đình anh chị mời bạn bè đến ăn cơm tất niên, quây quần bên nhau đón giao thừa. Mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp và người lớn sẽ mừng tuổi trẻ nhỏ. Nếu hôm đó không mừng tuổi thì phải đến mùng 3 Tết mới lì xì, tránh tặng tiền vào mùng 1, mùng 2 Tết. Trong bữa cơm tất niên và những ngày Tết, để anh Lý vơi đi nỗi nhớ quê, chị Phượng cũng nấu nhiều món ăn Trung Quốc như bao tử hầm tiêu, canh cá nấu dưa, chân gà kho xì dầu... Trong thời khắc giao thừa, vợ chồng chị gọi điện cho bố mẹ, gia đình chồng chúc Tết nên luôn có cảm giác gần gũi. "Mặc dù theo phong tục quê chồng nhưng khi Tết đến, gia đình tôi cũng mua hoa đào, quất và đèn trang trí trong nhà", chị Phượng nói.

Những năm trước, khi đến Tết, gia đình chị Huỳnh Thị Xuân và anh Tan Soon Pong (ở TP Hải Dương) lại về Singapore để sum vầy cùng gia đình, bạn bè. Đây cũng là dịp các con anh Tan được tìm hiểu thêm về phong tục tập quán quê nội. Thế nhưng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đi lại khó khăn nên gia đình anh quyết định ăn Tết ở Hải Dương. Căn nhà nhỏ ở phường Tứ Minh được trang trí để vừa mang đặc trưng Tết của người Việt với hoa mai, hoa đào, quất nhưng vẫn phảng phất Tết của người Singapore với đèn lồng cũng như tấm vải đỏ được treo trước cửa nhà. Anh Tan rất thích các món ăn dịp Tết cổ truyền của người Việt, đặc biệt là món nem rán. Vào đêm giao thừa và mùng 1 Tết, anh cùng vợ con đi chùa cầu mong những điều hạnh phúc, bình an đến với những người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Người Việt và người Singapore đều có phong tục chọn tuổi hợp để xông nhà với hy vọng sẽ mang nhiều điều may mắn đến cho gia chủ."Dù phong tục đón Tết 2 nước có nhiều điểm giống nhau nhưng khi được trải nghiệm thực tế tôi vẫn thấy rất thú vị. Tết ở đây sôi động, nhộn nhịp, mọi người đến nhà chúc Tết rất vui và tình cảm. Tôi hy vọng sắp tới dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để mọi người đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ", anh Tan nói.

Dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến chị Monalie, đang là giáo viên dạy tiếng Anh tại huyện Tứ Kỳ không thể về Philipines nên đã ở lại đón Tết Tân Sửu. Với chị, không khí đón Tết ở Việt Nam thật ấm cúng. Chị đặc biệt ấn tượng với món bánh chưng của người Việt. Theo chia sẻ của chị Monalie, người Philipines cũng có món bánh với nguyên liệu chính là gạo nếp nấu nước cốt dừa và đường. Vì thế, khi ăn bánh chưng, chị vừa cảm nhận được hương vị Tết quê nhà vừa được trải nghiệm những cảm giác mới mẻ. Để đón cái Tết thứ hai ở Việt Nam, năm nay chị sẽ mua áo dài mặc đi lễ chùa, thăm bạn bè, đến nhà người quen học gói bánh chưng và làm một số món ăn đơn giản. “Tôi thấy Tết ở Việt Nam rất đặc biệt, mọi người gần gũi, thân thiện nên giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà", chị Monalie nói.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đón Tết cũng có nhiều thay đổi. Dù vậy, các gia đình đều giữ được những nét đẹp truyền thống riêng của mỗi đất nước. Sự hòa hợp giao thoa này càng làm nên sự phong phú, đa dạng trong mỗi gia đình thời hội nhập.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/o-lai-viet-nam-an-tet-194088