Ở 'chiếc nôi' đào tạo cán bộ hậu cần sau đại học

Trước những đòi hỏi về công tác đào tạo cán bộ chỉ huy hậu cần, đào tạo nguồn lực khoa học hậu cần cho quân đội, những năm qua, bằng tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, Hệ Đào tạo sau đại học (SĐH), Học viện Hậu cần (HVHC) đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện các đối tượng học viên SĐH, góp phần quan trọng vào thành công chung của học viện.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Huy Hiệp, Chính trị viên Hệ Đào tạo SĐH, cho biết: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nơi sinh hoạt, học viên thuộc nhiều đối tượng, đội ngũ cán bộ khung của hệ lại mỏng về số lượng, biến động quân số... song Đảng ủy, chỉ huy Hệ Đào tạo SĐH luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, tạo bước đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và nghiên cứu khoa học của HVHC. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, 100% học viên cao học bảo vệ luận văn tốt nghiệp đạt khá, giỏi; các nghiên cứu sinh (NCS) bảo vệ luận án tiến sĩ đúng tiến độ, chất lượng đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Quốc phòng.

Theo Đại tá Nguyễn Huy Hiệp, ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu, nhất là trong thi, kiểm tra là yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng huấn luyện của các đối tượng học viên. Trên cơ sở nắm chắc nội dung, chương trình và kế hoạch huấn luyện của các đối tượng đào tạo, hệ đã xây dựng, phối hợp và triển khai cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện nghiêm kế hoạch dự giờ, bám lớp, kiểm tra huấn luyện; duy trì nghiêm các quy chế, quy định trong giáo dục, đào tạo, nhất là quy chế trong thi và kiểm tra với tinh thần “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; thực hiện phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Nhờ đó, đại đa số học viên xác định tốt trách nhiệm, có thái độ, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, chất lượng nghiên cứu, học tập của học viên nâng cao hơn.

Đội ngũ cán bộ Hệ Đào tạo sau đại học (Học viện Hậu cần) trao đổi chuyên môn trong công tác.

Đại tá Vũ Bá Liêu, Hệ trưởng Hệ Đào tạo SĐH, khẳng định: Đội ngũ cán bộ của hệ đã tích cực đổi mới phương pháp công tác, tác phong chỉ huy phù hợp với đối tượng quản lý. Riêng đối với học viên cao học và NCS, đơn vị luôn tạo thuận lợi nhất về thời gian, môi trường để độc lập nghiên cứu; triển khai và tạo điều kiện cho học viên cao học, NCS đi thực tế ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để thu thập tài liệu, học hỏi, tham khảo kiến thức thực tiễn. Đặc biệt, đối với NCS, đã thường xuyên làm tốt việc trao đổi và xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành, các thầy hướng dẫn để kịp thời bổ sung, tu chỉnh và rút kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, sửa chữa và hoàn chỉnh luận án. Đồng thời, tích cực tham gia hội thảo chuyên đề ở các cấp và nghiên cứu đề tài khoa học theo đúng kế hoạch, quy định của từng đối tượng; hiệp đồng với Tạp chí Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự bồi dưỡng kỹ năng viết báo khoa học cho học viên ...

Đến nay, sau 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Hệ Đào tạo SĐH đã và đang quản lý, giáo dục, rèn luyện 28 khóa NCS hậu cần quân sự; 7 khóa NCS ngành tài chính, ngân hàng quân sự; 30 khóa cao học hậu cần quân sự; 14 khóa cao học tài chính quân sự, với 156 NCS hậu cần quân sự; 23 NCS tài chính ngân hàng quân sự và 773 học viên cao học hậu cần quân sự cùng hàng nghìn cán bộ hậu cần cấp trung, sư đoàn và tương đương trở lên. Nhiều học viên của hệ trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành hậu cần quân đội, tướng lĩnh, cán bộ chủ trì của ngành hậu cần các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng.

Bài và ảnh: THÙY NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/o-chiec-noi-dao-tao-can-bo-hau-can-sau-dai-hoc-631426