Nông dân Phiêng Luông ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Cùng với thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua, Hội Nông dân xã Phiêng Luông (Mộc Châu) đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho hội viên, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của nông dân xã Phiêng Luông.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của nông dân xã Phiêng Luông.

Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình trồng cà chua trong nhà lưới, anh Nguyễn Văn Tùng, bản Muống, cho biết: Nhờ sự quan tâm của xã, tôi được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, trồng trọt và tham quan các mô hình sản xuất nông sản tiêu biểu. Tôi đã đầu tư 150 triệu đồng làm 600m² nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng hơn 1.700 gốc cà chua. Hiệu quả là ít bị ảnh hưởng những bất lợi của thời tiết, giảm chi phí lao động, chất lượng và sản lượng sản phẩm được nâng lên, bình quân mỗi gốc cà chua cho thu hoạch 5-7 kg, gia đình tôi thu về hơn 150 triệu đồng/vụ.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở Phiêng Luông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giống mới, ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập kinh tế cao hơn. Tiêu biểu, như hộ ông Vì Văn Đại, Ngần Văn Bụn, Ngần Văn Hải, Hà Văn Chiến, Mùi Văn Thắm ở bản Muống, với mô hình trồng rau bắp cải trái vụ; ông Bàn Văn Hải, Bàn Văn Quang ở Suối Khem trồng chè; ông Triệu Văn Sông, Tặng Thị Nguên, Mùi Xuân Lương ở bản Xồm Lồm trồng chè và cây ăn quả... cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Bàn Văn Ton, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phiêng Luông, thông tin: Hội Nông dân xã hiện có 474 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội. Hội Nông dân xã luôn bám sát, nắm bắt nhu cầu của hội viên để tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật phù hợp theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp hội viên, nông dân tiếp cận KHKT, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn; tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh. Đến nay, đã có hơn 100 hội viên đầu tư làm hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, xã có 3 HTX và 3 tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu là mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả của HTX Dũng Tiến chuyên trồng các loại rau trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho hệ thống các siêu thị ở Hà Nội. Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX hiện có 18 thành viên, với 4 ha trồng cây ăn quả, hơn 10 ha rau trái vụ và cung cấp cây giống cho người dân. Chúng tôi đã chủ động tìm hiểu kỹ thuật, huy động các nguồn lực và được Dự án GREAT hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới thông minh, kho lạnh, xe lạnh để bảo quản và vận chuyển nông sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân 1 ha của HTX đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Đẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Toàn xã đã có 23 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn, như: Chè, chanh leo, mận, bơ, rau trái vụ... thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%; hơn 150 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, ngày càng nhiều nông dân vươn lên làm giàu.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-dan-phieng-luong-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-40859