Nơm nớp lo ngộ độc thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, trong đó có các vụ ngộ độc tập thể và nhiều người bị nặng phải nhập viện...

Cơ quan chức năng kiểm tra, truy vết đầu vào nguồn thực phẩm kinh doanh tại một chợ đầu mối ở TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngay đầu tháng 5/2024, Trạm Y tế của Trung tâm Quản lý Ký túc xá (KTX) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp sinh viên có các triệu chứng mệt, đau bụng, nôn ói, đi tiêu lỏng. Các sinh viên này đều ăn uống thực phẩm tại một căn tin thuộc Khu B của KTX. Sau khi được thăm khám bước đầu, các trường hợp trên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TPHCM) để nhập viện cấp cứu. Quá trình theo dõi, làm các xét nghiệm kiểm tra, đến ngày 9/5 Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức xác định, có tổng số 21 sinh viên nhập viện.

Cung cấp thông tin với báo chí, bà Bùi Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông thuộc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho biết, Sở đã công văn khẩn gửi UBND TP Thủ Đức đề nghị địa phương chỉ đạo cơ quan chức nhanh chóng xác minh rõ nguyên nhân của vụ việc, tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm. Hiện, các trường hợp sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe để chuẩn bị xuất viện. Đồng thời, phía UBND TP Thủ Đức cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, tìm nguyên nhân. Ngoài vụ hàng chục sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm tại KTX Đại học Quốc gia TPHCM, chỉ tính từ đầu tháng 5/2024 đến nay, liên tiếp có 15 học sinh của 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức cũng đã phải nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm...

Mới đây nhất, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) điều tra dịch tễ để làm rõ thông tin 2 học sinh tại quận 4 và TP Thủ Đức nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. Trước đó, vào tối 4/5, Sở Y tế TPHCM đã nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) về trường hợp có 2 trẻ (ngụ quận 4 và TP Thủ Đức) nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm. Ngay trong đêm 4/5, Sở đã chỉ đạo HCDC phối hợp với các Trung tâm y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ tại cộng đồng. Trong thời gian này, tại trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) ghi nhận thêm 82 trẻ nghỉ học. Tuy nhiên, theo báo cáo của trường này, có hơn 50 em nghỉ không liên quan đến sức khỏe, số còn lại nghỉ học do bị ho, cảm, mệt (không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa). Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM vẫn đang điều tra dịch tễ các trường hợp để làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TPHCM thời gian gần đây, đại diện Sở ATTP đã cung cấp các thông tin ban đầu đến báo chí. Theo đó thời tiết nắng nóng kéo dài tại TPHCM và khu vực phía Nam đã thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm. Các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra ở khu vực trường học, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc học sinh có thói quen mua đồ ăn vặt từ những gánh hàng rong trước cổng trường. Vì vậy, Sở ATTP thường xuyên khuyến cáo phụ huynh học sinh phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền, nhắc nhở, nhằm hạn chế việc sử dụng thức ăn, hàng rong không đảm bảo về vệ sinh ATTP. Hiện Sở ATTP TPHCM ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý, các bếp ăn, người cung cấp thực phẩm. Đồng thời kiểm tra thường xuyên các bếp ăn tại các trường học trong tháng hành động vì ATTP.

Còn theo khuyến cáo của bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TPHCM, phụ huynh, học sinh cần có sự phối hợp với cơ sở trường học, không nên cho con em mình sử dụng thực phẩm và đồ ăn trước cổng trường. Thời gian qua những vụ ngộ độc tại TPHCM và một số tỉnh, thành lân cận là những bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nom-nop-lo-ngo-doc-thuc-pham-10279641.html