Nỗi lo lao động phi chính thức

Mới đây, Báo cáo tổng quan lao động có việc làm phi chính thức ở Hà Nội giai đoạn 2021 - 2023 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phát hành cho thấy do chủ yếu làm những ngành nghề trình độ thấp nên cuộc sống của lao động phi chính thức rất bấp bênh, thu nhập thấp và không ổn định.

Lao động phi chính thức chủ yếu làm những ngành nghề có thu nhập thấp, bấp bênh. Ảnh: Lê Minh.

Lao động phi chính thức chủ yếu làm những ngành nghề có thu nhập thấp, bấp bênh. Ảnh: Lê Minh.

Đời sống bấp bênh

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, mặc dù đây là nguồn lực lớn giúp duy trì việc làm cho một phần lớn dân số, nhưng lao động phi chính thức thường gặp phải những rủi ro về việc làm, không có hợp đồng lao động rõ ràng và ít được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay các quyền lợi khác.

Cụ thể, tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức ở Hà Nội là 1,89 triệu người (tăng 15,3% so với năm trước) và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm. Lao động phi chính thức ở Hà Nội chủ yếu tập trung ở các ngành nghề có tính chất dễ thay đổi và không yêu cầu trình độ cao. Phần lớn họ có trình độ học vấn thấp hoặc những người đến từ khu vực nông thôn, thiếu cơ hội việc làm chính thức.

Đáng chú ý, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn đáng kể so với lao động chính thức. Thu nhập từ công việc chính của người lao động trong năm 2021 - 2023 lần lượt đạt 6,305 triệu đồng; 8,572 triệu đồng và 8,303 triệu đồng, tương ứng lần lượt bằng khoảng 63%; 80% và 71% thu nhập của lao động khu vực chính thức cùng năm. “Sự chênh lệch này phản ánh nhiều yếu tố, từ quyền lợi và chế độ phúc lợi mà lao động chính thức được hưởng đến điều kiện làm việc ổn định hơn. Lao động phi chính thức thường gặp phải những rủi ro về việc làm, không có hợp đồng lao động rõ ràng và ít được hưởng các chính sách hay quyền lợi khác” - báo cáo nêu.

Cũng theo báo cáo, phân theo khu vực thành thị - nông thôn, khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức gia tăng đáng kể. Tại thành thị, chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức khoảng 4 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 - 2023 của lao động chính thức là 12,026 triệu đồng so với chỉ 7,916 triệu đồng của lao động phi chính thức). Ở khu vực nông thôn, mức chênh lệch này khoảng 1,5 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 - 2023 của lao động chính thức là 9,037 triệu đồng so với 7,617 triệu đồng của lao động phi chính thức).

Sự chênh lệch này có thể xuất phát từ điều kiện làm việc, cơ hội việc làm và sự phát triển kinh tế khác nhau giữa 2 khu vực. Ở thành thị, các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, lao động ở nông thôn thường làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các công việc mang tính chất thời vụ, thu nhập bấp bênh hơn.

Khó tìm được việc làm lương cao

Đáng chú ý, vị thế của người lao động có ảnh hưởng đáng kể đến mức chênh lệch về thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức. Trong giai đoạn 2021 - 2023, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn khoảng 2,4 - 3,7 triệu đồng so với lao động chính thức. Mức chênh lệch này cao nhất ở nhóm chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh và nhóm chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh (chênh lệch 9,2 triệu đồng năm 2022).

Điều này có thể phản ánh những khó khăn mà các chủ cơ sở phi chính thức phải đối mặt, chẳng hạn như hạn chế về vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định, hoặc không nhận được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Ngược lại, các chủ cơ sở chính thức có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính và chính sách hỗ trợ, giúp họ duy trì và thậm chí gia tăng thu nhập. Đối với nhóm lao động làm công hưởng lương, mức chênh lệch này là khoảng 3 triệu đồng, cho thấy sự chênh lệch thu nhập rõ rệt giữa lao động chính thức và phi chính thức.

Ông Vũ Quang Thành nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ trong khu vực phi chính thức có thể xuất phát từ nhiều yếu tố; trong đó có sự phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến nghề nghiệp. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động phi chính thức là mục tiêu quan trọng, không chỉ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. Trình độ càng cao thì tỷ lệ lao động phi chính thức càng giảm. Xu hướng này quan sát được qua nhiều năm và ở cả nam và nữ. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao, như nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng… chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 1,9%.

Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, song nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Có tới 41,1% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 - 9 năm, và 39,1% làm từ 9 năm trở lên. “Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu” - ông Việt Anh nhìn nhận.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-lo-lao-dong-phi-chinh-thuc-10295948.html