Nỗ lực hỗ trợ nông dân
Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân trên các lĩnh vực như cung cấp các loại máy nông nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đào tạo nghề, tư vấn, xuất khẩu lao động; xây dựng mô hình kinh tế; tổ chức hội thảo, hội nghị để kết nối nâng cao các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Từ tháng 6/2020, sau khi đổi tên từ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh sang tên gọi mới là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, tổ chức bộ máy của trung tâm được kiện toàn. Từ đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ hội viên, nông dân như: tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để hội viên, nông dân học tập, nhân rộng.
Trong năm 2020-2021, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nông dân đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả SX-KD; thực hiện chuyển giao 15 chiếc máy nông nghiệp các loại với trị giá hơn 4,7 tỉ đồng được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 68/2013/ QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH Hợp tác lao động và thương mại Thái Bình tại Quảng Trị tổ chức 18 buổi hội thảo tư vấn về việc làm và xuất khẩu lao động cho 240 hội viên, con em hội viên nông dân.
Chú trọng xây dựng các mô hình “nuôi-trồng” tại trung tâm và ở các cấp hội trong tỉnh; hỗ trợ 15.000 con gà giống cho nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi gà ở các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) với 15 hộ nông dân tham gia; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong với 55 hố bi đựng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng với 100 hội viên nông dân tham gia; phối hợp tổ chức cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân tập huấn các chương trình mục tiêu về an toàn giao thông, vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Các cấp hội phối hợp với Liên minh HTX, các phòng nông nghiệp hướng dẫn thành lập mới 40 mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác và hợp tác xã; phối hợp với Trường Cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 70 cán bộ hội cấp tỉnh và cấp huyện; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho 104 học viên về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Hội Nông dân cấp huyện, cơ sở hội phối hợp đào tạo nghề cho 2.865 học viên, trong đó 2.464 học viên có việc làm sau đào tạo nghề, đạt tỉ lệ 86%…
Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp thực hiện chương trình trả chậm cho hội viên nông dân; hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tiết kiệm điều khiển tự động vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phối hợp với các ngành, đơn vị tuyên truyền, tư vấn việc làm xuất khẩu lao động…; triển khai thực hiện tốt thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 với 10 gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Ngoài bán trực tiếp tại quầy, nông sản của nông dân còn được bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn hiện có 60 gian hàng với 350 sản phẩm chủ yếu là hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương của hơn 70 nhà cung cấp trong tỉnh do Hội Nông dân kết nối; thu thập thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ…của 35.420/46.174 hộ sản xuất nông nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử Quangtri.PostMart.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm….
Trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy sự tham gia của các cấp hội và hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng các mô hình kinh tế mới gắn với phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh.
Tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động; tập trung xây dựng các mô hình kinh tế mới ở Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, nhằm tạo hướng đi mới, phát huy hiệu quả chức năng của trung tâm theo hướng hỗ trợ, dịch vụ.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản; tổ chức hội thảo, hội chợ, gian hàng trưng bày, tạo môi trường thuận lợi để nông dân trao đổi, quảng bá các nông sản, thực phẩm sạch, tiêu biểu của địa phương, nâng cao giá trị hàng hóa.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/no-luc-ho-tro-nong-dan/178509.htm