Nợ công của Mỹ cao nhất lịch sử và những hệ lụy

Việc nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mức kỷ lục 32.000 tỷ USD dẫn tới những hệ lụy còn chưa lường hết đối với không chỉ nền kinh tế lớn nhất thế giới này mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu những tác động tiêu cực bởi những diễn biến phức tạp trên thế giới.

Tháo “chốt hãm” mức trần, nợ quốc gia Mỹ tăng cao

Theo dữ liệu mà Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 16-6, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt qua mức kỷ lục 32.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Cột mốc quan trọng nhưng không mấy vui vẻ này đạt được chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden ký duyệt dự luật đình chỉ trần nợ công của nước này ở mức 31.400 tỷ USD, ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký bạn hành đạo luật đình chỉ mức giới hạn trần nợ quốc gia

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký bạn hành đạo luật đình chỉ mức giới hạn trần nợ quốc gia

Tổng thống Joe Biden ký ban hành “Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023” đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu. Đạo luật được ban hành sau khi Lưỡng viện Quốc hội Mỹ, gồm Hạ viện và Thượng viện Mỹ, thông qua dự luật trong tuần này sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng.

Theo nội dung giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày

1-1-2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng. Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Việc đình chỉ nợ quốc gia cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục vay tiền không giới hạn cho đến ngày 1-1-2025, khi việc đình chỉ trần nợ kết thúc. Điều này có nghĩa là, chính phủ liên bang do Tổng thống Joe Biden đứng đầu có thể tiếp tục chi trả cho các dịch vụ công trong nước, chẳng hạn như an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm Medicare.

Có thể nói, mức trần nợ đã bị đình chỉ là việc “cực chẳng đã” bởi Bộ Tài chính Mỹ trước đó đã nhiều lần cảnh báo, nếu như biện pháp này không được thực hiện, nước Mỹ sẽ không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán. Vào tháng 1-2023, đồng hồ nợ công của Mỹ đã “điểm” mức 31.400 tỷ USD, chạm giới hạn vay, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để Chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động, tránh tình trạng vỡ nợ dự kiến xảy ra vào đầu tháng 6 này. Lời cảnh báo từ Bộ Tài chính đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt, căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng giữa các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden về các ưu tiên chi tiêu, khiến việc phê chuẩn biện pháp này gặp nhiều khó khăn.

Chẳng khác nào chiếc lò xo bị kìm nén lâu, ngay vào ngày làm việc đầu tiên sau khi mức trần nợ công được đình chỉ, khoản vay của Chính phủ liên bang đã tăng vọt tới 400 tỷ USD. Theo Tạp chí New York Times (Thời báo New York), mốc 32.000 tỷ USD đạt được sớm hơn tới 9 năm so với dự báo trước đại dịch Covid-19. Về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, để tránh một cuộc khủng hoảng khác, Chính phủ Mỹ cần giải quyết các yếu tố dẫn đến nợ nần.

Với việc tháo “chốt hãm” mức trần, nợ quốc gia của Mỹ có thể tăng phi mã nếu không giải quyết được các nguyên nhân cơ bản dẫn đến nợ công, đó là tăng chi tiêu bắt buộc và thiếu doanh thu để bù đắp cho khoản nợ đó. Theo dự đoán của các chuyên gia, Mỹ có thể nợ thêm 127.000 tỷ USD trong 30 năm tới, với chi phí lãi vay chiếm khoảng 40% doanh thu liên bang của quốc gia vào năm 2053.

Tác động tiêu cực tới nước Mỹ và kinh tế toàn cầu

Với đánh giá trên, nợ quốc gia Mỹ tăng cao sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực mà có thể chưa lường hết vào lúc này với không chỉ nền kinh tế lớn nhất thế giới mà cả kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, mọi thứ sẽ còn tệ hơn nhiều nếu tình hình không thay đổi trong 30 năm tới, khi nợ công của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên gần gấp đôi so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) và tạo ra áp lực tiềm ẩn với nền kinh tế quốc gia này.

Thực ra, việc nợ quốc gia chạm mốc 32.000 tỷ USD là điều đã được dự báo từ trước và Mỹ đã “ôm” nợ từ rất lâu. Cũng giống như những khoản vay thẻ tín dụng của mỗi cá nhân, nợ quốc gia của Mỹ cũng tăng lên khi chính phủ không thể thanh toán hết nợ cho các chương trình chi tiêu trong hàng thập kỷ qua, với rất nhiều lĩnh vực chi tiêu công như: hỗ trợ chăm sóc y tế, quân đội, hỗ trợ thực phẩm… với tổng số lên tới khoảng 1.000 khoản.

Nợ công gia tăng cũng đồng nghĩa với việc mỗi người dân Mỹ phải “gánh” một khoản nợ ngày càng nặng hơn. Tính ra, nếu chia trung bình cho mỗi người dân Mỹ, thì không kể già, trẻ, gái, trai, ai cũng gánh một khoản nợ trung bình là 94.000 USD. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, năm 2023, một đứa trẻ Mỹ sinh ra đã phải “ôm” khoản nợ 78.089 USD, ước tính đến tuổi 18 sẽ nợ 143.813 USD và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 226.263 USD khi ở tuổi 30.

Trước đó, vào năm 2000, nợ công của Mỹ mới tương đương với 36% GDP, hàng hóa và mọi thứ mà nền kinh tế nước này sản xuất trong cùng năm. Tuy nhiên, đến nay, con số này đã tăng vọt và nợ công của Mỹ đang bằng 98% GDP. Mọi thứ sẽ còn trầm trọng hơn nhiều nếu tình hình này tiếp diễn trong 30 năm nữa, khi nợ công của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên gần gấp đôi so với GDP và tạo ra áp lực tiềm ẩn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo giới chuyên gia, việc chính phủ Mỹ liên tục đi vay sẽ tạo gánh nặng ngày càng lớn đến thế hệ sau. Nguyên nhân là bởi chi phí lãi vay mới là điều mà nhiều người chú ý ở khoản nợ. Nếu nợ công tăng như dự báo, đến khoảng 2050, khoảng 50% doanh thu của chính phủ liên bang sẽ được dùng chỉ để trả tiền lãi. Điều này có nghĩa là, đến năm 2053, khi những những em bé hiện tại sẽ ở độ tuổi 30, chi phí lãi vay cho khoản nợ công sẽ là khoản chi lớn nhất đối với Chính phủ liên bang Mỹ. Và 50% khoản thuế mà những người này sẽ được dùng để thanh toán các khoản lãi đó.

Việc phải trả lãi quá nhiều sẽ hạn chế các khoản chi tiêu của Chính phủ cho mọi thứ, từ dịch vụ y tế, quân đội, giáo dục hay môi trường, ngay cả các khoản trợ cấp an sinh xã hội cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể. Nợ công ở mức cao cũng khiến Chính phủ Mỹ không dễ tung ra các gói kích thích kinh tế hay an ninh xã hội, những nhân tố được cho tác động nhất định tới tăng trưởng của nền kinh tế nước này.

Nợ công cao khiến nước Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm và lãi suất sẽ tăng cao hơn, tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng… Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, “sức khỏe” kinh tế Mỹ rất nhạy cảm với nền kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, nợ quốc gia Mỹ cao là nguy cơ đe dọa ổn định kinh tế toàn cầu, thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa, tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính cũng niềm tin của các nhà đầu tư và như thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-cong-cua-my-cao-nhat-lich-su-va-nhung-he-luy-post543330.antd