Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị nước ta; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tổ chức, bộ máy của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bao gồm cả cơ quan chuyên trách và các tổ chức không chuyên trách, lực lượng cộng tác viên. Trong đó, tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (Hội đồng tư vấn ở cấp trung ương và cấp tỉnh; Ban tư vấn ở cấp huyện và Tổ tư vấn ở cấp xã) là một bộ phận rất quan trọng, góp phần để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với Nhân dân và hệ thống chính trị nước ta.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến lãnh đạo một số tổ chức thành viên và Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn về định hướng xây dựng báo cáo chính trị và sửa đổi điều lệ MTTQ Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029, tháng 6/2023. Ảnh Quang Vinh
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
1. Vấn đề xác định địa vị pháp lý của tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là một cấu phần trong tổ chức, bộ máy của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp nhưng địa vị pháp lý của tổ chức này chưa được xác lập một cách chính thức mà mới dừng lại trong phạm vi nội bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp, được quy định bởi Điều 12, Chương II, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX.
Vấn đề này làm cho các tổ chức tư vấn không thực hiện được việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân mà các tổ chức tư vấn thu thập, tập hợp được với mục tiêu vừa bảo đảm sự phù hợp với chính sách, pháp luật hiện hành; vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân - một yếu tố rất quan trọng làm cơ sở của việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Do đó tiếng nói, kết quả làm việc của các tổ chức tư vấn chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dẫn đến hiệu quả hoạt động và tính thiết thực của các tổ chức tư vấn trong đời sống xã hội chưa cao, nhất là góp phần giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Mặt khác, việc xác định địa vị pháp lý của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là thể chế hóa chủ trương của Đảng được quy định tại Quyết định số 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 của Bộ Chính trị Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Do đó, cần bổ sung vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để xác lập địa vị pháp lý của tổ chức này trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Điều 12 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng các tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cùng cấp cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị việc giải quyết những vấn đề cấp bách, nóng bỏng trong đời sống Nhân dân để phục vụ nhiệm vụ tư vấn cho công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2. Hướng dẫn số 94/HD-MTTW-BTT ngày 30/11/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, cộng tác viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, ghi rõ: “Đối với cấp xã: Tùy vào yêu cầu của địa phương nhưng không nhất thiết phải thành lập Ban tư vấn cấp xã, nếu có hoạt động tư vấn ở cấp xã thì có thể sử dụng các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đội ngũ cộng tác viên”.
Trong khi đó, mục h, Điều 26 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”.
Hiện nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thì thành lập Ban tư vấn (cùng tên gọi với tổ chức tư vấn ở cấp hyện); có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã không thành lập tổ chức tư vấn. Trong tình hình tổ chức bộ máy chuyên trách công tác Mặt trận ở cấp xã hầu như không có (chỉ có 1 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là hoạt động chuyên trách, còn lại Phó Chủ tịch là bán chuyên trách và Ủy viên Thường trực là không chuyên trách) nên tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu, tư vấn về hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Để giải quyết vấn đề này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần hướng dẫn việc xây dựng về tổ chức và hoạt động của tổ chức tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã một cách cụ thể (bao gồm chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, nhân sự về tổ chức và chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động), giúp cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoạt động có hiệu quả.
3. Nội dung, nhiệm vụ của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Nghiên cứu, tư vấn, đề xuất ý kiến và tham gia phản biện xã hội những dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực của Hội đồng. Nghiên cứu, tư vấn, đề xuất ý kiến và tham gia giám sát những nội dung về quá trình quán triệt, triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực của Hội đồng khi được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời tham gia.
Nghiên cứu, tư vấn đề xuất ý kiến về các nội dung, phương thức hoạt động và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Số lượng thành viên mỗi Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ 15 đến 25 vị, bao gồm: Chủ nhiệm; từ 2 - 4 Phó Chủ nhiệm; 1 Ủy viên Thường trực và các Ủy viên1.
Nội dung, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn cấp tỉnh, huyện và cấp xã: Nghiên cứu các chính sách, pháp luật, chương trình, đề án được Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương gửi xin ý kiến góp ý chuẩn bị ban hành hoặc đã và đang thực hiện có liên quan đến quốc kế, dân sinh mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh, huyện, xã cần đề xuất xem xét, kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Nghiên cứu, đề xuất ý kiến về những nội dung có liên quan đến nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, nhằm đưa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng có kết quả, góp phần nâng cao vị trí và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghiên cứu, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, xã để tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp kịp thời xử lý, giải quyết2.
Như vậy, cùng với nội dung, nhiệm vụ như của Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã còn thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ tư vấn của địa phương cùng cấp. Điều này là cần thiết phải thực hiện nhưng rõ ràng theo chiều càng xuống mỗi cấp thì càng tăng thêm nội dung, nhiệm vụ cho những tổ chức này. Nội dung, nhiệm vụ thì tăng như vậy nhưng số lượng thành viên của các Hội đồng tư vấn cấp tỉnh chỉ 10 người; Ban tư vấn cấp huyện, xã chỉ có từ 5 đến 7 người. Đây là sự bất cập giữa yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện làm việc với tổ chức, bộ máy và nguồn lực con người cần phải giải quyết.
4. Vấn đề đòi hỏi sự am hiểu về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với mỗi thành viên trong các tổ chức tư vấn. Hướng dẫn số 94/HD-MTTW-BTT ngày 30/11/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ tiêu chuẩn để chọn lựa thành viên tham gia các tổ chức tư vấn là: “Là các chuyên gia, người làm công tác lãnh đạo, quản lý có trình độ, kinh nghiệm trên các lĩnh vực chuyên môn mà Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn đảm nhận. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm huyết với hoạt động, công tác Mặt trận; có khả năng phân tích, tổng hợp, có chính kiến. Có đủ sức khỏe và điều kiện tham gia hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn”.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác của Mặt trận không chỉ đơn thuần là chuyên môn, chuyên gia một lĩnh vực cụ thể hay kinh qua công tác lãnh đạo, nên cùng với tiêu chuẩn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với công tác Mặt trận... thì thành viên của tổ chức tư vấn phải nắm vững về tổ chức, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị mới góp phần to lớn vào chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu, tư vấn của tổ chức tư vấn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Một vấn đề nữa là việc xác định yêu cầu, tiêu chí trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn người tham gia làm thành viên của tổ chức tư vấn. Tiêu chí của thành viên trong tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp có sự khác biệt với tiêu chí của thành viên tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó. Tiêu chí thành viên tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp là: Tính tiêu biểu; Tính đại diện và Tính thiết thực. Còn thành viên tham gia tổ chức tư vấn phải đặt nặng tiêu chí thiết thực, tức là ngoài chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành họ còn phải bám sát đặc điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì ý kiến tham mưu, tư vấn mới sát với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
5. Vấn đề về bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện làm việc của các tổ chức tư vấn và thành viên tham gia các tổ chức tư vấn. Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính về Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Ban tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác Mặt trận.
Tuy nhiên, Thông tư này mới dừng lại ở việc bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn và phụ cấp trách nhiệm cho các chức danh trong cơ cấu điều hành hoạt động của các Hội đồng tư vấn cấp Trung ương và cấp tỉnh, Ban tư vấn cấp huyện; chưa bảo đảm kinh phí hoạt động của tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, cũng như phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên tham gia Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn các cấp.
Đồng thời, với quy định “Mức chi hội nghị, hội thảo, công tác phí (của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị”3 là không phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức tư vấn. Vì Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính được áp dụng cho các đơn vị, tổ chức hoạt động hành chính của hệ thống chính trị (cán bộ được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, việc chi tham gia hội họp là bồi dưỡng thêm). Còn tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là tổ chức không chuyên trách, thành viên của các tổ chức tư vấn không phải là cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà họ làm việc với tinh thần tự nguyện, cống hiến cho công tác Mặt trận nên không thể áp dụng chế độ công tác phí, hội họp như các đơn vị hành chính, cán bộ chuyên trách mà phải có cơ chế đặc thù cho phù hợp.
Một vấn đề nữa là điều kiện hoạt động của các tổ chức tư vấn. Muốn việc tham mưu, tư vấn của các tổ chức tư vấn cho Ban Thường trực và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có chất lượng, hiệu quả thì thành viên và tổ chức tư vấn phải nghiên cứu, khảo sát thực tế những vấn đề đang xảy ra trong Nhân dân so với quy định của chính sách, pháp luật; phải tổ chức các hoạt động tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân liên quan đến vấn đề tư vấn; phải tổ chức hội thảo, trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan...
6. Vấn đề cơ chế cần đồng bộ và kịp thời trong việc xử lý thông tin, ý kiến của tổ chức tư vấn cho Ban Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp với các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị.
Theo quy chế và phương thức phối hợp hoạt động giữa các tổ chức tư vấn và các cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, khi có ý kiến tham mưu, tư vấn của các Hội đồng tư vấn cấp Trung ương gửi đến Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; của tổ chức vấn cấp tỉnh hoặc cấp huyện gửi đến Ban Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện thì các Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp, chọn lọc để gửi đến các cơ quan của Đảng và Nhà nước yêu cầu xử lý.
Khi có kết quả xử lý thì Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo trở lại cho Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn cùng cấp biết kết quả tư vấn của mình. Tuy nhiên, việc thông tin trở lại cho các tổ chức tư vấn hầu như không thực hiện được, vì các cơ quan của Đảng và Nhà nước đôi khi chậm trả lời những ý kiến phản ánh, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; hoặc chậm trong việc gửi thông tin đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lấy ý kiến trước khi ban hành văn bản theo quy định hiện nay, các tổ chức tư vấn không kịp nêu ý kiến tư vấn cho Ban Thường trực hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để đóng góp ý kiến đúng với thời gian quy định. Vấn đề này làm cho việc lấy ý kiến đóng góp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có lúc trở thành hình thức.
Mặt khác, Điều 6. Quyền của các Hội đồng tư vấn trong Quy chế hoạt động của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không quy định các Hội đồng được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến vấn đề tư vấn mà chỉ được tham gia các cuộc khảo sát, giám sát, hội nghị phản biện xã hội (nếu được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp mời).
Vấn đề này cũng được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết công tác của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021: “Trong một số trường hợp..., việc cung cấp thông tin, tài liệu cho các Hội đồng tư vấn chưa được đầy đủ, kịp thời. Chưa có cơ chế, điều kiện bảo đảm để các Hội đồng chủ động họp, thảo luận đưa ra bàn, tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chế độ chi cho việc nghiên cứu, họp... chưa thực sự khuyến khích, động viên trong hoạt động tư vấn, phản biện”4.
7. Vấn đề về tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tư vấn và các thành viên.
Các tổ chức tư vấn và các thành viên đều làm việc theo chế độ không chuyên trách với tinh thần tự nguyện, tâm huyết, cống hiến khả năng của mình cho công tác Mặt trận nên việc tôn vinh, ghi nhận của hệ thống chính trị, trực tiếp là các cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là rất cần thiết, tạo nên niềm tin, động lực thúc đẩy họ làm việc.
Việc thực hiện chính sách (như phụ cấp trách nhiệm, chế độ bảo hiểm xã hội, thăm hỏi trong những dịp lễ tết quan trọng của dân tộc...) đối với các thành viên của các tổ chức tư vấn không phải chỉ là đáp ứng yêu cầu vật chất như việc “trả công” bình thường mà là sự khẳng định, ghi nhận vai trò, trách nhiệm, vị trí của họ trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có quy định cụ thể mà còn quy định chung chung nên rất khó thực hiện. Đây cũng là một trong những vấn đề dẫn đến “Một số vị thành viên trong các Hội đồng tư vấn hoạt động chưa hiệu quả, việc bố trí thời gian tham dự một số cuộc họp còn ít do kiêm nhiệm nhiều việc ở cơ quan, đơn vị hoặc do những lý do khách quan khác”5.
Vấn đề tiếp theo là tạo động lực thúc đẩy sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên tham gia các tổ chức tư vấn. Cùng với thực hiện chính sách chưa tốt nêu trên, việc tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến của các thành viên trong các tổ chức tư vấn chưa tạo nên động lực thúc đẩy họ cống hiến.
Ở Trung ương, hằng năm Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn theo cơ chế bình quân mỗi Hội đồng tư vấn một vị để khen thưởng chung trong việc khen thưởng về kết quả công tác Mặt trận của năm đó.
Ở các địa phương, việc thực hiện khen thưởng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam càng xuống cấp dưới càng ít do những khó khăn về kinh phí. Việc tôn vinh, ghi nhận này chưa tạo nên động lực thực sự thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tư vấn và tinh thần, trách nhiệm cống hiến của các thành viên.
Trong Báo cáo tổng kết hoạt động của các Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021 cũng nêu rõ: “Hằng năm có hình thức khen thưởng, động viên các vị tham gia công tác Hội đồng tư vấn phù hợp và kịp thời”.
Giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ góp phần rất quan trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 (kèm theo Quyết định số 280/QĐ-MTTW-BTT ngày 14/4/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
2. Hướng dẫn số 94 /HD- MTTW-BTT, ngày 30/11/2017 về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã, ngày 30/11/2027 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Thông tư số 35/2018/TT-BTC, ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính về Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Ban tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.
4,5. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo cáo tổng kết công tác của các Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Số 466/BC-MTTW-BTT, Hà Nội ngày 3/3/2022.