Những quyết định lịch sử nơi nghị trường năm 2024
Những quyết sách được Quốc hội quyết định trong năm 2024 thể hiện rõ tư tưởng 'việc gì giải quyết có lợi cho dân là phải giải quyết ngay và chịu trách nhiệm trước đất nước', góp phần tạo những tiền đề quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với 2 kỳ họp thường kỳ và 2 kỳ họp bất thường, năm 2024, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định một khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ ở cả công tác lập pháp, giám sát tối cao đến quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, Kỳ họp thứ 7 đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung, với 11 luật và 21 nghị quyết được thông qua, đồng thời 11 dự án luật được cho ý kiến lần đầu.
Còn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Trong đó, không ít quyết sách được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận là mang tính lịch sử, phúc đáp yêu cầu của cuộc sống, sự phát triển của đất nước.
Về công tác xây dựng pháp luật, không thể không nhắc đến việc Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng (từ ngày 1/8/2024 thay vì thời điểm hiệu lực ban đầu là 1/1/2025).
Đây là những dự án luật lớn, có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực, được sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách đột phá nên việc luật sớm đi vào cuộc sống được ngày nào có lợi cho dân, cho đất nước ngày đó. Đôn hiệu lực của nhiều dự án luật ngay tại một kỳ họp cũng là quyết định chưa có tiền lệ.
Bước sang kỳ họp thứ 8, Quốc hội để lại dấu ấn sâu sắc khi mạnh mẽ thay đổi tư duy trong xây dựng pháp luật, thể hiện rõ nét tinh thần Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII. Các quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo tiền đề về mọi mặt, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội đã quyết đáp nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết. Chưa khi nào, tại một kỳ họp, Quốc hội xem xét theo thủ tục rút gọn để bàn thảo, thông qua cùng lúc nhiều dự án “một luật sửa nhiều luật”. Đó là “1 luật sửa 4 luật” được đánh giá cải tổ, kiến thiết mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh; còn “1 luật sửa 9 luật” trong lĩnh vực tài chính được cho là giải quyết nhiều “điểm nghẽn”.
Trong quyết định các vấn đề quan trọng, một trong những dấu ấn là việc Quốc hội thông qua chủ trương “dự án thế kỷ" đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam bằng hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và với các nước trong khu vực, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Để Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu.
Và như nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, các quyết sách trên thể hiện quyết tâm, quyết liệt, đồng thời tăng trách nhiệm hoạt động Quốc hội trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội. Những nội dung này, khi được thông qua sẽ đi vào lịch sử của Việt Nam như là những quyết định mang tính thời đại và mang tầm vóc to lớn cả về quy mô tài chính, cơ chế, chính sách.
Với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn.
Hay trước bức xúc và kiến nghị của cử tri và nhân dân, xét đến tính cấp bách trong bảo vệ sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em, Quốc hội thống nhất việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Bên cạnh đó phải kể đến việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết tồn đọng trong lĩnh vực đất đai các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng; Nghị quyết về thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Về xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền, năm 2024 cũng là năm đặc biệt nơi nghị trường, khi Quốc hội kiện toàn nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Cụ thể, Quốc hội bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026; Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XV; cùng với đó bầu, phê chuẩn hàng loạt chức danh lãnh đạo ở Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp.
Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội…
“Qua những quyết sách quan trọng được Quốc hội đưa ra, có thể thấy rõ, tư tưởng việc gì giải quyết có lợi cho dân là phải giải quyết ngay và chịu trách nhiệm trước đất nước” - khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng minh chứng cho tinh thần đổi mới, quyết liệt, đồng hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, năm 2024.