Những người 'giữ hồn' di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những 'báu vật sống'
Những nghệ nhân dân gian được xem như những 'báu vật sống', bởi những đóng góp rất quan trọng của họ đã và đang góp phần làm đa dạng và phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Nói cách khác, những 'báu vật sống' ấy đã và đang 'giữ hồn' di sản và 'tiếp lửa' tình yêu di sản cho thế hệ sau.
Những người “giữ hồn” di sản
Từ bao đời nay, với người Mường, cồng chiêng không chỉ là nhạc khí mà còn là “vật báu”, được đồng bào giữ gìn và phát huy. Và, nhắc đến cồng chiêng, người dân huyện Ngọc Lặc lại nhớ đến ông Phạm Vũ Vượng - nghệ nhân ưu tú, người đã đưa tiếng cồng chiêng ngân vang khắp các bản mường.
Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, cồng chiêng cũng từng rơi vào nguy cơ bị mai một. Tiếc cho một “vật báu” của dân tộc rồi đây có thể sẽ không còn được ai nhắc đến, bởi vậy ông Phạm Vũ Vượng đã trăn trở, miệt mài sưu tầm, tìm hiểu về cồng chiêng. Nhớ về những ngày đầu tìm hiểu và khôi phục nghệ thuật cồng chiêng, ông Vượng chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, chắt lọc những tinh hoa về văn hóa cồng chiêng của người Mường. Từ đó, tôi đã ghi chép về cồng chiêng; sưu tầm các bộ cồng chiêng - tài sản quý của mỗi dân tộc, cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội của địa phương, của huyện và tỉnh. Đặc biệt, tôi đã đề nghị với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường. Các thành viên câu lạc bộ thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện các bài cồng chiêng”.
Hơn 50 năm gắn bó với cồng chiêng và “công cuộc” phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng, đến nay, dù tuổi cao, nhưng ông Vượng vẫn luôn dành trọn tình yêu, đam mê cho cồng chiêng. Ông vẫn thường xuyên tham gia trình diễn cồng chiêng tại các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, ông Vượng đã quan tâm nhiều đến công tác truyền dạy thực hành cồng chiêng cho cộng đồng. Ông không chỉ truyền dạy cho những người trong câu lạc bộ văn hóa dân gian, người của địa phương mà còn truyền dạy tại các trường học và các địa phương khác.
Rời vùng núi Ngọc Lặc, chúng tôi về nơi nổi tiếng với Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh) để gặp nghệ nhân Lê Thị Liên, thôn Tuyên Hóa, xã Đông Khê (Đông Sơn). Sinh ra và lớn lên trên vùng đất của Ngũ trò Viên Khê nên nghệ nhân Liên đã “nằm lòng” 12 tích trò: Múa đèn, Trống mõ, Tiên cuội, Ngô quốc (thuộc Ngũ trò Rủn Đông Khê); trò Thiếp, Vằn Vương (trò Hùm), Xiêm thành, Hà lan, Tú huần (xã Đông Khê); trò Ngô phường, Lan phường, Tiên phường, Thủy phường, Lăng ba khúc (nằm trong hệ thống Ngũ trò Bôn của Đông Thanh); trò Chạy gậy (Đông Thịnh)... Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Liên cho biết: “Các tích trò tập trung phản ánh một cách chân thật về đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân Việt và ước vọng của con người trong lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt, cầu mong mưa thuận gió hòa. Được trở thành con trò là niềm vinh dự lớn của nhiều người nên tôi đã chăm chỉ theo các bà, các mẹ và anh chị để học. Nhờ đam mê và chăm chỉ luyện tập tôi đã trở thành một con trò thành thạo, có tiếng trong vùng”.
Nhưng do tác động của lịch sử, thời gian, nghè Sâm - nơi trình diễn Ngũ trò Viên Khê mất đi, lễ hội nghè Sâm theo đó cũng không còn. Ngũ trò Viên Khê không được trình diễn và có nguy cơ mai một. Nhưng với tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, bà Liên vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó Ngũ trò Viên Khê sẽ được khôi phục. Mong muốn đó thành sự thật vào khoảng năm 2002, các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và Nhân dân đã thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Ngũ trò Viên Khê. Bà Liên cùng những người tâm huyết với Ngũ trò Viên Khê đã cùng nhau ghi chép lại, tìm hiểu các tài liệu và luyện tập lại các tích trò sao cho giống nguyên bản nhất. Kể từ đó, bà Liên đã tích cực thực hành và truyền dạy các tích trò cho các thế hệ trẻ. Nhờ những người như bà Liên mà Ngũ trò Viên Khê đã được “sống dậy” và đến năm 2017 trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với những đóng góp quan trọng trong việc phục dựng, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngũ trò Viên Khê, bà Lê Thị Liên đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú năm 2022. Đến nay, khi ở tuổi ngoài 80, điệu múa, lời hát của Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Liên không còn uyển chuyển như trước, nhưng bà vẫn tham gia thực hành, đặc biệt là đã tích cực truyền dạy, hướng dẫn cách hát, múa các tích trò cho cộng đồng và thế hệ trẻ.
Trăn trở về người kế cận
Trên mảnh đất Ngọc Lặc, Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng luôn được gọi với cái tên thân thương: Mế Tắng, Máy Tắng. Gặp Mế Tắng trong những chương trình liên hoan văn hóa dân tộc, các hoạt động văn nghệ hay truyền dạy văn hóa truyền thống, chắc hẳn ai cũng bị cuốn hút bởi “ngọn lửa” đam mê với Pồn Pôông luôn “rực cháy” của Mế.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, khôi phục các trò chơi, trò diễn, lễ hội truyền thống giàu giá trị. Và lễ hội Pồn Pôông cũng từ đó từng bước được “hồi sinh”, với sự góp sức của những người như Mế Tắng. Sự đam mê với văn hóa truyền thống của Mế Tắng không chỉ góp phần làm “sống dậy" lễ hội - trò diễn Pồn Pôông - “linh hồn” của văn hóa Mường, mà còn giúp Pồn Pôông vươn xa khỏi mảnh đất Mường, đến với những vùng văn hóa khác trên mọi miền đất nước.
Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, song Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng vẫn luôn miệt mài sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong mỏi tìm được người kế cận đủ tài, đủ nhiệt huyết và dành trọn tình yêu cho văn hóa truyền thống. Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng chia sẻ: “Thế hệ trẻ đã bắt đầu tham gia văn hóa truyền thống nhưng có đam mê thì ít. Tôi già yếu rồi, mong lắm tìm được người kế cận tâm huyết để truyền dạy mà tìm mãi chưa thấy. Người có năng khiếu thì không thực sự đam mê, không đặt cái tâm vào văn hóa. Khó lắm!”.
Cùng chung tâm trạng với nghệ nhân Phạm Thị Tắng, nghệ nhân Lô Đình Ước, xã Xuân Phúc (Như Thanh) - thầy Mo, người nắm giữ các nghi thức truyền thống của lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Ước là một trong số ít những người có am hiểu và có thể thực hành được các nghi lễ, nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Ông từng được gọi là “kho tàng” văn hóa của người Thái.
Trong một lần trò chuyện, ông từng chia sẻ mong muốn tìm được người có đam mê, am hiểu văn hóa để truyền dạy, nhưng thế hệ trẻ chỉ tham gia theo sự kiện chứ chưa thực sự đam mê và am hiểu về các nghi thức truyền thống. Điều đó cũng khiến Nghệ nhân ưu tú Lô Đình Ước trăn trở về việc truyền dạy và tìm người kế cận đủ am hiểu và đủ tâm hướng về văn hóa truyền thống. Và đến nay, khi nghệ nhân Lô Đình Ước qua đời, việc tìm người kế cận có năng khiếu, am hiểu và tình yêu da diết đối với di sản để thay thế đã trở thành “bài toán” chưa tìm được lời giải cho huyện Như Thanh.
Có thể thấy, tìm người kế cận đủ tâm, tài, đam mê với văn hóa truyền thống không chỉ là trăn trở của những nghệ nhân dành trọn tình yêu cho văn hóa, mà đó cũng là yêu cầu đặt ra cho cộng đồng và những người làm công tác văn hóa. Bởi các nghệ nhân, những người dành trọn tâm huyết cho văn hóa truyền thống thường tuổi đã cao. Một số người đã mất, khiến cho nhiều di sản văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, là vấn đề còn bỏ ngỏ.