Những nghị quyết làm thay đổi diện mạo Yên Lập

PTĐT - Sau khi Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lập lần thứ XXIII tổ chức thành công, trong 5 năm (từ 2015 đến nay), Đảng bộ huyện đã ban hành 12 nghị quyết chuyên đề và đề án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương trong huyện.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển CN-TTCN, HTX gỗ ván ép xuất khẩu - khu Thung Bằng tập trung phát triển SX-KD, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Hưng Long, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển CN-TTCN, HTX gỗ ván ép xuất khẩu - khu Thung Bằng tập trung phát triển SX-KD, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Hưng Long, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Yên Lập là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh với xuất phát điểm thấp, lợi thế cạnh tranh không cao, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ… Bám sát nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội…Đồng chí Bùi Hồng Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện đã xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các tiểu vùng kinh tế để phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng tỷ trọng cơ cấu kinh tế… Để đạt được những điều đó, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Yên Lập đã xây dựng và triển khai thực hiện 10 nghị quyết chuyên đề và 2 đề án về phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như các Nghị quyết số 43, 45, 47 về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là giao thông nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến sâu nông lâm sản, vật liệu xây dựng và phát triển cụm công nghiệp; Nghị quyết số 48 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản chuyên canh, tập trung theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với đặc điểm tự nhiên…

Dự án xử lý khẩn cấp kè thoát lũ từ hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ, thị trấn Yên Lập sau khi hoàn thành khắc phục tình trạng ngập úng cho nhân dân trong khu vực, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH của Đảng bộ huyện.

Dự án xử lý khẩn cấp kè thoát lũ từ hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ, thị trấn Yên Lập sau khi hoàn thành khắc phục tình trạng ngập úng cho nhân dân trong khu vực, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH của Đảng bộ huyện.

Để đưa nội dung các nghị quyết vào đời sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai, áp dụng tiến bộ khoa học về giống và kỹ thuật chăm sóc. Chỉ đạo phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại các vùng đã dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai, theo hướng liên kết “4 nhà”. Bên cạnh đó, huyện từng bước xây dựng, thành lập và “lấp đầy” cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp. Tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để thu hút nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn… Để thu hút đầu tư và giới thiệu các sản phẩm địa phương, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu đồng thời phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân…Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; văn hóa, thông tin truyền thông, thể thao và du lịch; chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, dân số và phát triển; gắn việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững…Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh, sự đoàn kết, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện ước đạt 8,2%/năm (mục tiêu Nghị quyết 6,5%/năm trở lên); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16,54%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm.Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; khâu đột phá về phát triển đồi rừng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện cuối nhiệm kỳ đều đạt và vượt cao so với mục tiêu Nghị quyết. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 42,5 nghìn tấn/năm, tăng 5 nghìn tấn so với mục tiêu Nghị quyết; năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 là 49,7 tạ, năm 2019 là 54,62 tạ/ha); diện tích lúa chất lượng cao tăng 340%. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như trồng rừng gỗ lớn, sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng quế, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi gà, vịt trời, chim bồ câu được hình thành và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông nghiệp của huyện đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, măng gầy Trung Sơn, tinh dầu quế, bưởi Diễn... Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng đang được đưa vào nuôi, trồng thí điểm để nhân ra diện rộng như: Đàn Hương, nghệ đỏ, gừng châu, đương quy, lợn rừng lai...Cùng với phát triển nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,5%/năm. Trong đó, lần đầu tiên kể từ khi tái lập, huyện đã xây dựng được 2 cụm công nghiệp và thu hút được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Đến nay Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Cụm Công nghiệp Lương Sơn có 9 nhà đầu tư thuê đất, có 5 doanh nghiệp hoạt động tại 2 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động…Ngoài ra, thực hiện khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện trong 5 năm ước đạt trên 4.170 tỷ đồng; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 51,14%; nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy nước sạch phục vụ thị trấn và các xã lân cận với tổng số tiền trên 34 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, xử lý khẩn cấp kè thoát lũ đoạn từ hồ Thủy Điện đến dốc Đá Thờ, thị trấn Yên Lập với tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng để khắc phục ngập úng cho người dân thị trấn trong mùa mưa lũ.Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng nhiệm kỳ 2015-2020 Yên Lập đã có 5 xã: Hưng Long, Ngọc Lập, Nga Hoàng, Xuân Thủy, Thượng Long hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tận dụng nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các nghị quyết mà Đảng bộ huyện đề ra đã giúp Yên Lập từng bước nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, đạt những kết quả nổi bật trong thực hiện 3 khâu đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202005/nhung-nghi-quyet-lam-thay-doi-dien-mao-yen-lap-171021