Những kiến nghị về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Theo chương trình dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày mai 27/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi với Mekong ASEAN bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tại kỳ họp lần này.

Gửi gắm một số mong muốn cụ thể của cử tri, đại biểu Lam đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) một số quy định như tăng số lần khám thai của lao động nữ lên 8 lần trong thai kỳ, thay vì quy định hiện tại là 5 lần để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng các chế độ giống như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm đảm bảo tính công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, tạo động lực thu hút nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới.

Giải quyết dứt điểm việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định

Chiều 23/5, tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Đại biểu cho biết, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, từ năm 2003, có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một số địa phương và hộ kinh doanh cá thể. Sau khi có chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương đã dừng thu bắt buộc đối với nhóm đối tượng này và hướng dẫn chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện.

Tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm, trong đó có những trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa được giải quyết nghỉ hưu đã gửi đơn thư khiếu kiện.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu giải trình tại nghị trường ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận có việc thu sai bảo hiểm xã hội đối với hộ kinh doanh.

Vấn đề này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 88 giao đích danh cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thống kê, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngày 23/4 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến các ngành.

"Về tinh thần, phải khẳng định việc luật pháp hiện nay không cho phép thu đối tượng này. Việc thu vừa qua của một số bảo hiểm xã hội địa phương là sai và cơ quan Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sau khi phát hiện ra đã có văn bản chấn chỉnh vấn đề này," Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải pháp xử lý như sau.

Thứ nhất, những trường hợp đủ điều kiện, Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) đề xuất, cùng với Ủy ban Xã hội của Quốc hội báo cáo với Thường vụ Quốc hội và trong báo cáo hồ sơ gửi đại biểu, với những hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh thì cho bổ sung và quy định điều khoản chuyển tiếp sang bảo hiểm bắt buộc để những hộ kinh doanh này được hưởng đầy đủ chính sách đối với bảo hiểm bắt buộc. Việc này sẽ do Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Trường hợp thứ hai không đủ điều kiện, nói cách khác là không có đăng ký kinh doanh thì chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trong trường hợp không đồng ý chuyển sang bảo hiểm tự nguyện thì Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm để thực hiện thoái thu.

"Đương nhiên, thoái thu phải đảm bảo chính sách như thế nào cho thỏa đáng. Tinh thần báo cáo với Quốc hội tháng 5 này Chính phủ sẽ nghe Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo và sẽ đi đến hồi kết cuối cùng," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: quochoi.vn

Xem xét toàn diện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Trước đó, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 19/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho hay, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước.

Về vấn đề căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương, chính vì thế, theo ông Đoan, hiện nay Chính phủ đã có báo cáo gửi sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đề xuất của Chính phủ, tính toán điều chỉnh làm sao đảm bảo quyền lợi tối ưu lúc trước và sau khi cải cách tiền lương, không tạo khoảng cách quá xa giữa người đang hưởng tiền lương mới được nghỉ hưu và người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

“Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cần phải nghiên cứu thận trọng. Ủy ban Xã hội đã phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội phương án tối ưu nhất đảm bảo quyền lợi cho người lao động," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan. Ảnh: quochoi.vn

Về mức tham chiếu để tính bảo hiểm xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, theo Nghị quyết 28 thì khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở. Mức lương này đã được sử dụng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tính hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội cùng rất nhiều chính sách khác trong Luật an toàn vệ sinh lao động, việc làm, một số chính sách trợ cấp khác.

Nhưng đến 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ, thay bằng một mức điều chỉnh mới là mức tham chiếu.

"Hiện nay, các cơ quan Chính phủ đang tính toán các phương án phù hợp làm sao không thấp hơn mức đang áp dụng mức lương cơ sở. Các cơ quan Quốc hội cũng đang xem xét toàn diện vấn đề này, vì đây là vấn đề tác động rộng rãi không chỉ với người lao động mà cả những người nghỉ hưu," ông Lâm Văn Đoan cho biết.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-kien-nghi-ve-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-post34964.html