Những cây bàng mang dáng hình Tổ quốc
Trên mảnh đất linh thiêng Côn Đảo, hàng trăm cây bàng cổ thụ vươn mình giữa nắng gió như những nhân chứng sống, lặng lẽ chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Không chỉ tỏa bóng mát che phủ thời gian, mỗi thân cây, mỗi tán lá đều in hằn dấu tích của một thời máu lửa - nơi những chiến sĩ cách mạng kiên cường từng bị giam cầm, tra tấn trong “địa ngục trần gian” khét tiếng của thế kỷ XX.
Những cây bàng chính là biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước, vững chí bền gan trước gông cùm và bạo lực. Chúng là lời nhắc nhở thầm lặng nhưng sâu sắc về những hy sinh lớn lao để làm nên hình hài Tổ quốc hôm nay.

“Cây bàng cách mạng” trước phòng biệt giam số 9 - nơi giam cầm nữ cựu tù chính trị Mười Đào và đồng đội
“Cây bàng cách mạng” qua lời kể của “người tù không số”
Côn Đảo những ngày tháng tư lịch sử đón hàng chục ngàn du khách về thăm và du lịch.
Có người đến đây để mục sở thị “địa ngục trần gian” mà trước đó họ chỉ nghe qua sách báo hoặc những câu chuyện kể; có cựu tù Côn Đảo sau nhiều năm trở về đất liền họ quay lại chỉ để tìm về ký ức của thời hoa lửa và nỗi đau chiến tranh; có những “người tù không số” đến Côn Đảo để thêm một lần chứng kiến người thân của họ hơn nửa thế kỷ trước đã “sống lý tưởng, chết vinh quang”, ngoan cường đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của bọn cai tù.
Gọi là “người tù không số” bởi mẹ của họ bị tù đầy tại Côn Đảo, bản thân họ sinh ra trong tù hoặc bị bắt cùng mẹ rồi lớn lên trong tù, cùng ở với những người tù, chỉ khác họ không mang áo số...
Chị Bùi Thị Xuân Hạnh (sinh năm 1967, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) là một trong nhiều “người tù không số” đến Côn Đảo dịp 30.4 này để thăm lại “chuồng cọp”, nơi mà hơn nửa thế kỷ trước, má của chị - bà Lê Thị Tâm, bị thực dân Pháp giam cầm suốt 6 năm.
Nhớ về ký ức đau thương và bi tráng, chị Hạnh kể chúng tôi nghe câu chuyện má chị dùng lá bàng non để chữa bệnh cứu sống đồng đội, gốc bàng là địa điểm bí mật cất giấu tài liệu, truyền đơn; lá bàng khô giúp những người tù ấm lưng trong những ngày rét thấu xương.
Đặt bàn tay lên thân cây bàng phía trước trại giam Phú Hải, chị Hạnh nghẹn ngào: “Trở lại Côn đảo lần này, tôi thực hiện di nguyện cuối đời của má, đó là thăm “chuồng cọp” số 9 - nơi má đã bị bọn cai ngục hành hạ dã man; thăm cây bàng ngày ấy má đã từng cất giấu tài liệu từ năm 1969 đến ngày giải phóng. Tôi sinh ra ở nhà lao Thủ Đức và trở thành một “người tù không số”...
Tháng 8.1966, khi đang hoạt động cho Biệt động Sài Gòn thì má chị bị bắt. Lúc đó, bà có biệt danh là Mười Đào (tên thật là Lê Thị Tâm, tên thân mật gọi là dì Mười). Bà bị bắt trong một buổi chiều đang bí mật hoạt động tại chợ Bà Chiểu (Sài gòn - Gia Định) và bị nhốt tại nhà lao Thủ Đức.
Khi đó, má đang mang thai chị được một tháng. “Tháng 3.1967, tôi chào đời trong chốn lao tù. Má tôi kể lại, tôi sinh ra bé xíu, đen xì như con chuột đặt trong lòng bàn tay, không ai dám ẵm vì nhỏ quá. Tôi được các dì, các má trong tù thay nhau ẵm bồng, nuôi nấng”, chị Hạnh kể.
Sau hơn 3 năm bị tra tấn dã man nhưng đành “bó tay với con cộng sản cứng đầu”, má chị bị đày ra Côn Đảo vào cuối năm 1969. Chị Hạnh được gửi lại cho các dì, các má trong nhà lao Thủ Đức bảo bọc...
Tại “chuồng cọp” - phòng giam số 9, từ cuối năm 1969 đến cuối tháng 4.1975, bà Mười Đào bị bọn cai ngục dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, nhưng không làm lung lay ý chí chiến đấu của bà.
Sau nhiều tháng bị giam cầm trong hầm tối, một buổi chiều mùa thu năm 1971, bà Mười Đào được bọn cai ngục “cho đi hóng mát”. Lợi dụng sơ hở, bà đã gửi thông tin bí mật “sẵn sàng cho ngày giải phóng” vào gốc cây bàng trước cửa phòng biệt giam.
“Tài liệu đó má tôi giấu vào gốc cây bàng này và sau đó được chuyển đến cơ sở cách mạng an toàn. Ngày 30.4.1975, Côn Đảo giải phóng; ngày 5.5.1975, má tôi được tàu hải quân chở về đất liền trong đoàn “Chiến thắng 2”. Trong rất nhiều câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động cách mạng, má vẫn chắc đến cây bàng trước cửa phòng giam số 9, trại Phú Hải - nơi đã chứng kiến bao đau đớn, tủi nhục nhưng cũng nhiều kiêu hãnh của má và những người tù”, chị Hạnh chia sẻ.

Bà Mười Đào (Lê Thị Tâm) bên những kỷ vật cách mạng thiêng liêng
Những hiện vật biết nói
Trong căn nhà cũ kỹ chung cổng hàng xóm ở 17 Lê Tự Tài, phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM, chị Hạnh cho chúng tôi xem nhiều hiện vật mà 50 năm trước bà Mười Đào đem về từ Côn Đảo. Trong đó có hai kỷ vật thiêng liêng gắn với bà Mười Đào trong suốt cuộc đời làm cách mạng.
Kỷ vật thứ nhất là bức tranh được má chị thêu trong hai năm 1971-1972. Do quá nhớ thương con, bà Mười Đào đã bí mật lấy lá bàng khô đốt ra tro, rồi hòa thành mực. Rút sợi vải từ áo bà ba, bà nhuộm mực và xe chỉ để thêu.
Bức tranh toát lên nội dung chứa chan xúc động của người mẹ trong ngục tù tối tăm gửi về người con gái bé bỏng ở đất liền. Phía xa là bình minh buổi sáng sau ngọn núi.
Một con tàu đang neo đậu giữa biển khơi đầy khát vọng, sẵn sàng chở tù Côn Đảo trở về đất liền trong ngày toàn thắng; hình ảnh con gái bé bỏng đang mong đợi mẹ; trên đó ghi dòng chữ “Thương nhớ gởi về con, kỷ niệm ngục tù Côn Đảo ngày 6.2.72”…
Cầm bức tranh thêu, chị Hạnh rưng rưng nước mắt: “Tôi đã giữ bức thêu này 50 năm, nó trở thành kỷ vật vô giá và thiêng liêng đối với gia đình tôi. Mỗi lần nhìn tranh tôi lại nhớ má.
Má tôi cả cuộc đời dành trọn cho cách mạng. 6 năm bị địch giam cầm ngoài ngục tù Côn Đảo là ngần ấy thời gian má kiên cường anh dũng. Má không còn, nhưng tinh thần đấu tranh cách mạng, sự thầm lặng hy sinh, chí khí người cộng sản, lẽ sống tận tụy vì dân vì nước luôn là tinh thần để tôi, chồng tôi và các con tôi học tập, noi theo”.
Kỷ vật thứ hai chị Hạnh cho tôi xem là chiếc lá bàng khô có hình chị lúc còn bé. Chị kể, năm 1972, trong một buổi chiều bọn cai ngục đưa bà Mười Đào ra khỏi buồng giam số 9, lợi dụng sơ hở, bà đã lấy một chiếc lá bàng nhét vào người.
Ngày hôm sau, bà dùng kim châm trên lá bàng thành hình đứa con con gái bé bỏng. Chiếc lá đặc biệt ấy được giấu kín trong gốc cây bàng trước cửa buồng giam, sau đó được chuyển về đất liền.
“Lúc nhỏ tôi cũng chưa hiểu lắm. Ngày thống nhất đất nước, má con gặp nhau, má kể về chiếc lá bàng và những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo, má con tôi ôm nhau khóc trong niềm vui. Sau này tôi mới hiểu, vì sao trong ngục tù tăm tối, má lại thêu những bức tranh đầy khát vọng”, chị Hạnh xúc động sẻ chia.
Thời gian như mũi tên vụt qua, bụi thời gian có thể phủ mờ ký ức của những cựu tù Côn Đảo, nhưng chứng tích chiến tranh thì không thể phai mờ. Những cây bàng đại thụ nơi đây vẫn sừng sững giữa đất trời, như những cột mốc sống động ghi lại bao tháng năm máu lửa.
Chúng không chỉ là minh chứng cho ý chí kiên cường, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ cách mạng, mà còn là biểu tượng của một thời oanh liệt không thể lãng quên.
50 năm trước, mỗi cây bàng như một người lính bất khuất. Hôm nay, sau nửa thế kỷ, chúng vẫn mang trên mình dấu tích oai hùng, hơi thở và dáng hình Tổ quốc.
Bàng Côn Đảo đã vượt qua giới hạn của một loài cây - trở thành di sản linh thiêng của lịch sử dân tộc, là lời nhắc nhở thầm lặng mà sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do và lòng yêu nước.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/nhung-cay-bang-mang-dang-hinh-to-quoc-126987.html