Những câu chuyện tự nguyện xin thoát nghèo
Trong thời gian qua, không ít hộ nghèo tự giác vươn lên trong cuộc sống, dẫu kinh tế còn khó khăn nhưng họ đã mạnh dạn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đó thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thay vào đó là sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân và gia đình để sớm thoát khỏi cái nghèo.
Hơn 4 năm trước, chuyện ông Hà Tinh Tú ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên) nằng nặc nộp đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo khiến nhiều người nể phục. Không ít người lạ lẫm bởi đang là hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách về vốn vay ưu đãi, cây con giống... thì ông Tú lại làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bản thân ông Tú từng bị tai nạn lao động mất một bên mắt, thấy ông khó khăn, cán bộ thôn và mọi người thống nhất bình xét ông thuộc diện nghèo để giúp đỡ, song ông Tú một mực không nhận, ông cho rằng, mình phải tự lực cánh sinh chứ để Nhà nước giúp mình mãi sao được.
Ông Tú luôn cần mẫn trong lao động, phát triển kinh tế chăn nuôi. Ông chọn hình thức nuôi trâu bò vỗ béo rồi bán. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi thêm gà thả vườn, lợn đen… nhờ kiên trì phát triển chăn nuôi, “lấy ngắn nuôi dài”, mô hình chăn nuôi của gia đình ông dần được mở rộng, mỗi năm đem lại thu nhập gần trăm triệu đồng. Năm 2015, gia đình ông xây được nhà mới khang trang và chính thức được công nhận thoát nghèo.
Anh Hoàng Văn Hiển ở thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2019.
Phong trào tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng đã lan tỏa ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ dù khó khăn nhưng ý chí luôn thôi thúc phải quyết tâm thoát nghèo. Tiêu biểu như: Trường hợp bà Ma Thị Ngân ở thôn Nà Loáng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa), chồng mất, năm 2013 lại bị cháy nhà, tài sản chỉ còn sót lại vài bộ quần áo. Bà được chính quyền xã, bà con hàng xóm dựng cho ngôi nhà tạm, ủng hộ đồ dùng cá nhân. Ai cũng muốn để bà ở diện nghèo để giúp đỡ lâu dài nhưng bà Ngân nhất quyết không nhận, mấy lần bà làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Ngân bảo, mình đã được mọi người giúp đỡ nhiều rồi không thể nhận thêm nữa, phải nỗ lực vươn lên, mình nghèo về vật chất chứ nhất định không nghèo về ý chí.
Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đặc biệt là số hộ tự nguyện xin thoát nghèo lại tập trung nhiều ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tiêu biểu như các xã: Minh Quang, Phúc Sơn và Kim Bình (Chiêm Hóa) có hơn 60 hộ; xã Hùng Đức và Yên Lâm (Hàm Yên) có hơn 20 hộ. Đồng chí Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo thì ý thức và sự tự giác của mỗi hộ nghèo vươn lên là yếu tố quan trọng góp phần giúp việc giảm nghèo trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 5,75%, giảm gần 9% so với năm 2016.
Trong các hội nghị đánh giá công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn, các đại biểu đều cho rằng việc thay đổi nhận thức của hộ nghèo đối với công tác giảm nghèo, nhất là những trường hợp tự nguyện xin thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là rất đáng biểu dương. Đó là những tấm gương sáng để những hộ nghèo nào còn có tư tưởng ỷ lại, chưa có sự nỗ lực vươn lên nhìn vào để phấn đấu và “soi” lại mình. Bởi việc giảm nghèo muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì không ai khác, chính các hộ nghèo cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cố gắng vươn lên. Từ đó sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của tỉnh, mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 12%.