Những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường người bệnh cần biết

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, người bệnh phải điều trị cả đời. Đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt tình trạng bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở mắt, thần kinh, thận, tim mạch... thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.

Đái tháo đường cùng với ung thư, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính là trong những bệnh không lây nhiễm gây tử vong cao, phải điều trị lâu dài và để lại gánh nặng cho cả bệnh nhân lẫn xã hội.

Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến từ lâu trên thế giới và ngày càng có nhiều người mắc phải. Đái tháo đường đang trở thành gánh nặng cho người bệnh vì là bệnh lý mạn tính cần phải điều trị cả đời. Đây là bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở nhiều bộ phận như tim, thận, mắt, não… thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.

Theo TS.BSCKI Nguyễn Thị Thúy (Phó Chủ nhiệm khoa Nội tiết - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) nếu người bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt tình trạng bệnh có thể dẫn đến các biến chứng thận, biến chứng tim mạch, biến chứng bàn chân, biến chứng mắt… Các biến chứng của đái tháo đường được chia làm 2 nhóm là biến chứng mạn tính và biến chứng cấp tính.

- Biến chứng mạn tính là những biến chứng diễn biến từ từ do người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt. Một số biến chứng mạn tính thường gặp là: biến chứng bàn chân, biến chứng mắt, biến chứng tim mạch, biến chứng thần kinh…

- Biến chứng cấp tính thường gặp ở người bệnh đái tháo đường là hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê toan ceton.

Biến chứng đái tháo đường khiến nhiều trường hợp bệnh nhân bị hoại tử, có nguy cơ phải cắt cụt chi.

Biến chứng đái tháo đường khiến nhiều trường hợp bệnh nhân bị hoại tử, có nguy cơ phải cắt cụt chi.

Những biến chứng mạn tính thường gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nếu gặp biến chứng thần kinh có thể gây ra tình trạng ngứa rát/kim châm ở bàn chân, bàn tay; liệt, méo miệng; loét/nhiễm trùng; gây ra các cơn đau dữ dội… Biến chứng thận là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý suy thận và bệnh lý thận mạn tính. Biến chứng tim mạch làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, cơn đau thắt ngực và các bệnh mạch máu ở chi dưới. Biến chứng mắt có thể khiến người bệnh mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm, ngoài ra còn dẫn đến những bệnh lý như glocom, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc, phù hoàng điểm…

Theo chuyên gia, người bệnh đái tháo đường cần chủ động thực hiện thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện để hạn chế các biến chứng.

- Chế độ ăn với người bệnh đái tháo đường rất quan trọng. Bởi có những bệnh nhân sợ đường máu cao nên kiêng khem dẫn đến cơ thể bị suy dinh dưỡng. Cũng có những bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh khiến đường huyết tăng cao. Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học người bệnh nên thực hiện bằng cách: Cân đối lượng carbonhydrat tiêu thụ và tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi trong chế độ ăn. Đây là những thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, gluxit, chất khoáng, chất chống oxy hóa… cho cơ thể. Tuy nhiên người bệnh nên ưu tiên các loại trái cây ít ngọt, hoặc nếu ăn các loại trái cây ngọt thì cần theo dõi đường huyết trước và sau khi ăn để điều chỉnh số lượng tiêu thụ. Ngoài ra cần hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn chứa các chất béo chuyển hóa. Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý uống đủ từ 2-3lit nước mỗi ngày.

Nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường không phát hiện ra bệnh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường không phát hiện ra bệnh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

- Duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn và lưu ý chọn những môn thể thao phù hợp với thể trạng và sức khỏe người bệnh. Với người bệnh đái tháo đường, sử dụng thuốc điều trị, chế độ ăn cùng với tập luyện được xem như chiếc kiềng 3 chân giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Người bệnh nên lựa chọn những môn thể thao thân thiện với bàn chân để hạn chế các biến chứng bàn chân có thể xảy ra như bơi lội, đạp xe, đi bộ… Bệnh nhân nên duy trì vận động mỗi ngày hoặc có thể tập luyện khoảng 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình.

- Kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết, huyết áp (< 130/80 mmHg), mỡ máu đạt mục tiêu.

- Người bệnh đái thái đường không nên uống hoặc hạn chế uống rượu bia, ngừng hút thuốc lá và không sử dụng các chất kích thích.

- Nếu người bệnh đái tháo đường có tình trạng thừa cân, béo phì thì cần giảm cân để duy trì BMI hợp lý. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt để giảm cân hợp lý.

- Có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, nên hạn chế căng thẳng trong cuộc sống.

- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ theo lịch hẹn. Tuyệt đối không được bỏ thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Điều này sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn thậm chí gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Ngoài ra, khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tìm nguyên nhân.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-bien-chung-nguy-hiem-cua-dai-thao-duong-nguoi-benh-can-biet-169241022113846663.htm