Những 'bẫy lừa' tinh vi núp bóng xuất khẩu lao động

Nắm được nhu cầu tìm kiếm việc làm, đặc biệt là xuất khẩu lao động, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra những lời quảng cáo 'ngọt ngào' về mức lương... để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại nhẹ dạ.

Ngày 1-3-2024, Bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành Nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility). Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã thực hiện chiêu trò mạo danh doanh nghiệp được Chính phủ lựa chọn, thu tiền trái phép của người dân.

Cụ thể đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam cùng với phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội làm việc với đối tượng có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội làm việc với đối tượng có hành vi lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và truyền thông khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trên mạng xã hội trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ Bộ Lao động thương binh và xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình.

Người dân nên cập nhật thông tin chính xác từ các trang mạng, cổng thông tin chính thống để tránh bị lừa đảo bởi các tin tức sai lệch và bị chiếm đoạt tài sản.

Đối với những người dân đang có nhu cầu xuất khẩu lao động và quan tâm đến chương trình trên, cần tuyệt đối nắm rõ các thông tin, tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi tham gia.

Ngoài ra, người lao động cần tuyệt đối lưu ý, thông tin về chương trình trên sẽ được Bộ Lao động thương binh và xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương; Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang Fanpage của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình.

Làm việc tại nước ngoài với mức lương cao là nhu cầu chính đáng của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, không vì thế mà người lao động bất chấp những cảnh báo, rủi ro trong lĩnh vực này.

Trước đó, như An ninh Thủ đô đã đưa cảnh báo đối với những quảng cáo được đăng tải trên các trang mạng xã hội về việc đi lao động tại Canada. Với chi phí từ 16.000 USD đến 24.000 USD người lao động có thể sang Canada làm các công việc như làm nông nghiệp hoặc làm nail.

Thực tế các đơn vị này không có giấy phép hoạt động, chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn nhận tiền của người lao động và có dấu hiệu làm giả giấy tờ đưa người đi lao động “chui” tại Canada. Người lao động sang Canada không hề bằng con đường lao động mà đi bằng con đường du lịch. Các đối tượng “nổ” với người lao động là “cứ sang du lịch trước rồi sẽ có người giới thiệu việc làm”.

Khi sang đến nơi, người lao động theo dạng này sẽ không có công ty bảo lãnh, chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi. Nếu đi bằng con đường chính thống, người lao động sẽ được bảo hộ, đảm bảo quyền lợi, giải quyết những khiếu nại, tranh chấp phát sinh giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Do đó người lao động đi “chui” sẽ rất thiệt thòi về lợi ích.

Trong thời gian vừa qua, tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện trào lưu xuất khẩu lao động sang một số nước như Đức và Canada. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và các quốc gia này đều chưa đạt được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu lao động, chưa có công ty được cấp phép đưa người sang lao động tại đây. Do đó, khi gặp các công ty quảng cáo giới thiệu đưa người vào thị trường lao động Canada theo diện xuất khẩu lao động, người dân cần cảnh giác tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-bay-lua-tinh-vi-nup-bong-xuat-khau-lao-dong-post577661.antd