Những 'bàn tay vàng' ở Lữ đoàn 172

Trước tình trạng nhiều loại trang bị, khí tài, linh kiện đã xuống cấp nghiêm trọng do sử dụng lâu năm, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân đã tích cực, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm thay thế có chất lượng không kém gì bản gốc, góp phần bảo đảm tốt kỹ thuật cho những con tàu ngày đêm giữ biển.

Đồng thời, từ tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ mà các con tàu đều như mới, chính quy, đẹp mắt, gọn gàng...

Theo hiệp đồng với chỉ huy đơn vị, tôi đến Lữ đoàn 17, Vùng 3 Hải quân vào một ngày đẹp trời. Quân cảng tươi trong nắng, cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trên những con tàu. Thiếu tá QNCN Đinh Văn Thắng, nhân viên ra-đa Tàu 358, Hải đội 131, dáng vẻ hối hả, mừng rỡ bắt tay tôi sau 3 năm gặp lại.

- Anh đi đâu mà tất bật thế? - Tôi hỏi.

- Tôi đang lên khu kỹ thuật, trên đó đơn vị đang thực hiện dự án mới, đồng đội ạ!

 Thiếu tá QNCN Đinh Văn Thắng (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội khảo sát khí tài.

Thiếu tá QNCN Đinh Văn Thắng (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội khảo sát khí tài.

Anh Thắng trả lời rồi vồn vã mời tôi cùng lên khu kỹ thuật tham quan. Vào thăm “Phòng sửa chữa, gia công” của Lữ đoàn 172, nơi ra lò những sản phẩm sáng tạo của đơn vị, trước mắt tôi là một nhóm cán bộ, nhân viên kỹ thuật đang miệt mài chế tạo các chi tiết, linh kiện để thay thế cho những thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng, khó vận hành. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, Thiếu tá QNCN Đinh Văn Thắng cầm một cái công tắc vừa được chế tạo xong đưa cho tôi cùng với cái công tắc cũ.

- Đồng đội thấy nó có khác gì thiết bị gốc của nhà sản xuất không?

Nghe tôi khen cái công tắc vừa chế tạo còn đẹp hơn cái cũ về màu sắc, đường nét, sự tinh tế, anh Thắng kể: "Không ít trang bị kỹ thuật của đơn vị do sử dụng lâu năm nên đã bị xuống cấp, không hiệu quả, trong khi vật tư, phụ tùng thay thế khan hiếm.

Trước thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đẩy mạnh Phong trào "Xây dựng tàu chính quy mẫu mực”, động viên, khuyến khích toàn đơn vị phát huy trí tuệ, tinh thần sáng tạo, cùng nhau nghiên cứu, hiến kế, chế tạo các thiết bị thay thế để bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật cho các con tàu hoạt động hiệu quả. Trên cơ sở rà soát các thiết bị, phụ tùng cần thay thế, từng tổ cán bộ, nhân viên kỹ thuật tiến hành họp bàn, triển khai phương án nghiên cứu, chế tạo, phân công từng phần việc phù hợp với năng lực, sở trường"...

Thiếu tá QNCN Nguyễn Tất Hoàng, Máy trưởng của Tàu 358, Hải đội 131, chia sẻ: “Khó khăn nhất là tìm mua nguyên vật liệu, anh em tôi phải chia nhau đi đến từng cửa hàng, vận dụng hết các mối quan hệ để hỏi thăm, mua cho bằng được. Sau khi có đủ nguyên liệu, cán bộ, nhân viên bắt tay vào chế tạo với yêu cầu bảo đảm chính xác như sản phẩm gốc, đồng thời có chất lượng tốt, độ bền cao, đưa vào thay thế đồng bộ, vận hành trơn tru".

Từ ý chí quyết tâm không bó tay trước những việc khó và bàn tay khéo léo, sự cẩn thận, tỉ mỉ của người lính thợ, những thiết bị, linh kiện của các con tàu bị xuống cấp, hư hỏng đã lần lượt được thay thế để bảo đảm tốt kỹ thuật cho thực hiện nhiệm vụ. Như hệ thống đèn, chụp đèn và hệ thống núm nút của trang thiết bị trên tàu được những người lính thợ Lữ đoàn 172 chế tạo rất thành công; sáng kiến này đã được nhân rộng ra toàn Vùng 3 Hải quân và Quân chủng.

Trung úy Phan Công Đức, Hải đội 132, Lữ đoàn 172, người tham gia tổ chế tạo các thiết bị, cho biết: “Sau khi đưa vào lắp đặt, thay thế, sử dụng đã cho thấy, hệ thống đèn, chụp đèn và hệ thống núm nút của trang thiết bị trên tàu do chúng tôi nghiên cứu chế tạo bảo đảm chất lượng, hiệu quả và có độ bền như bản gốc của nhà sản xuất. Điều này vừa giúp đơn vị chủ động thay thế thiết bị hư hỏng để kịp thời thực hiện nhiệm vụ, vừa giúp tiết kiệm chi phí, không phải chờ đợi tìm mua".

Tại Tàu 20 của Lữ đoàn 172, pháo OTO breda 40 mới được trang bị. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, giúp bộ đội sử dụng thành thạo, phát huy hiệu quả, Thiếu úy Nguyễn Quang Huy đã nghiên cứu, chế tạo mô hình hệ thống điều khiển loại pháo này. Sáng kiến đang được sử dụng để huấn luyện cho bộ đội làm quen, học tập từ mô hình mô phỏng trước khi bước vào vận hành pháo. Thiếu úy Nguyễn Quang Huy chia sẻ: “Quá trình huấn luyện khai thác, sử dụng pháo OTO breda 40, đơn vị gặp khó khăn về thời gian hoạt động, đồng thời khi vận hành cần sử dụng nhiều người.

Thấy vậy, tôi đã mày mò nghiên cứu, xây dựng hệ thống điều khiển pháo OTO breda 40 ở dạng mô hình để phục vụ huấn luyện. Sử dụng mô hình này huấn luyện vẫn bảo đảm quá trình vận hành đúng nguyên tắc, nguyên lý, giúp người học nhanh chóng làm quen, vận hành nhanh, chính xác, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Trao đổi với Thượng tá Vũ Hữu Phong, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172, tôi được biết, thời gian qua, đơn vị đã phát huy cao độ tinh thần sáng tạo của bộ đội để thực hiện hiệu quả phong trào nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm cho các con tàu hoạt động tốt nhất. Từ năm 2019 đến nay, hàng chục sáng kiến của cán bộ, chiến sĩ đã được đưa vào sử dụng hiệu quả, như: Mô hình quy trình vận hành trạm dập cháy CO2 trên tàu TT400TP; hệ thống phóng nhiễu của Tổ hợp PK16; mô hình tổ hợp Tên lửa P15U...

Từ thay thế, khắc phục các loại trang bị cũ, xuống cấp đến nghiên cứu, học tập ứng dụng các trang thiết bị, vũ khí mới, hiện đại, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đều tích cực chung tay đóng góp công sức, trí tuệ. Chính các sáng kiến này đã góp phần quan trọng giúp đơn vị thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Bài và ảnh: VÕ AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/nhung-ban-tay-vang-o-lu-doan-172-782749